“Sẽ cố gắng giành lại vỉa hè cho người đi bộ”

12:31, 07/05/2013
|

(VnMedia) - Trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong tuần lễ dành cho người đi bộ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành giao thông sẽ cố gắng dành hạ tầng tốt nhất cho người đi bộ.

>>Sẽ phạt người đi bộ sang đường sai luật?  

>> Choáng kiểu sang đường "chết người" ở Thủ đô  
 

- Thưa ông, tại sao thời điểm này, Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia lại lên kế hoạch vận động người đi bộ đi đúng nơi quy định?.
 
Hưởng ứng tuần lễ an toàn toàn cầu cho người đi bộ, Việt Nam tham gia với nhiều hoạt động phong phú. Tuy nhiên, chúng ta tập trung vào 3 chủ đề lớn: hoạt động dành cho người đi bộ, trong đó các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành giao thông vận tải sẽ cố gắng dành hạ tầng tốt nhất cho người đi bộ. Ở các thành phố, đô thị lớn sẽ cố gắng dành lại vỉa hè cho người đi bộ. Bên cạnh đó, các biển báo, vạch kẻ đường cũng sẽ được rà soát lại…
 
Nội dung thứ 2 Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tập trung trong tuần lễ này là vận động người tham gia giao thông nhường đường cho người đi bộ. Thực ra “văn hoá” nhường đường cho người đi bộ ở các nước phát triển đã có từ rất lâu. Tại các nước này, khi một người đi bộ sang đường chỉ cần đi đúng vạch đường quy định thì tất cả các phương tiện khác sẽ dừng lại để nhường đường. Nhưng ở nước ta việc này là chưa có.
 
Việc nhường đường cho người đi bộ là một nét văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử, tạo ra nét văn hoá chung của cả xã hội. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng sẽ có chiến dịch “nhắc nhở”, tạo thói quen cho người tham gia giao thông nhường đường cho người đi bộ.
 
Hoạt động thứ 3 Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tập trung là vận động người sang đường đi bộ đúng nơi quy định. Trong hoạt động này, chúng tôi sẽ tập trung vào những thành phố lớn, những nơi có đủ điều kiện dành cho người đi bộ: có cầu vượt, sơn  kẻ vạch dành cho người đi bộ…. Tại những địa điểm này sẽ có lực lượng: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông “nhắc nhở”, vận động người đi bộ sang đường đúng nơi quy định. Sau khi đã nhắc nhở, nếu cố tình vi phạm, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt.

 Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia.

- Ông đánh giá thế nào về ý thức của người đi bộ khi tham gia giao thông hiện nay?
 
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, số người chết vì tai nạn giao thông khi đi bộ chiếm 22% trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, chúng tôi thống kê, số người đi bộ bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong là 3,2%. Như vậy, số này không lớn so với tổng số hành vi vi phạm giao thông ở Việt Nam.
 
Tuy nhiên, hành vi sang đường không đúng nơi quy định không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người đi bộ mà còn ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện khác. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra khi các phương tiện tránh người đi bộ.
 
Ngoài ra, việc người đi bộ đi không đúng nơi quy định cũng tạo ra văn hoá giao thông hết sức lộn xộn, tạo ra một hình ảnh thành phố thiếu văn minh, hiện đại. Việc đi bộ đúng nơi quy định cũng sẽ tạo cho thành phố văn minh, hiện đại hơn.
 
- Theo ông, cơ sở vật chất, hạ tầng về giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu để người đi bộ sang đường đúng luật và thuận lợi chưa?.
 
Hiện toàn thành phố Hà Nội khoảng 20 cây cầu vượt dành cho người đi bộ. Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng thêm một số cây cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường khác. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, hạ tầng cho người đi bộ không chỉ có cầu vượt mà còn phải có vạch sơn kẻ đường, và vỉa hè…
 
Với vấn đề vỉa hè, mặc dù chúng ta đã rất cố gắng. Thành phố Hà Nội cũng đã rất cố gắng dành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán cũng đang gây khó khăn cho những người đi bộ.

 Ảnh minh họa

Do nhiều tuyến vỉa hè của Hà Nội chật cứng xe nên người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường. Ảnh: Xuân Tùng

- Ở nước ta, thường thì khi cơ quan chức năng tiến hành xử phạt thì người tham gia giao thông sẽ chấp hành tốt hơn. Vậy trong tuần lễ dành cho người đi bộ lần này, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có tiến hành việc xử phạt này không?.
 
Nghị định 71 quy định, hành vi đi bộ không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 60.000-120.000 đồng. Mức xử phạt này là không cao. Tuy nhiên tôi cho rằng, việc quan trọng nhất và nguy hiểm nhất của người đi bộ khi đi không đúng quy định là ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình và người tham gia giao thông.
 
Trong 3 hoạt động chủ yếu hưởng ứng tuần lễ an toàn cho người đi bộ, chúng tôi có một hoạt động đi bộ đúng nơi quy định. Hoạt động này chủ yếu sẽ vận động tuyên truyền, nhắc nhở để người đi bộ đi đúng vào phần đường quy định. Khi đã được nhắc nhở mà vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Hiện Cảnh sát giao thông Hà Nội đã chốt ở ít nhất 20 điểm có cầu vượt và làm thí điểm ở các điểm này.
 
- Thưa ông, Nghị định 34 cũng đã quy định việc xử phạt hành vi người đi bộ đi sai luật. Hiện Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia đã thống kê được bao nhiêu người đi bộ không đúng luật bị xử phạt?.
 
Việc người tham gia giao thông đi bộ không đúng nơi quy định hiện nay chúng ta cơ bản là chưa xử phạt. Duy nhất ở TPHCM mới xử phạt vài chục trường hợp. Hà Nội thì cũng tương tự, một vài chục trường hợp. Còn lại, chủ yếu là nhắc nhở.
 
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.


Xuân Tùng - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc