Phó Thủ tướng: Không nên quá lo lắng về dự án bauxite

07:19, 24/05/2013
|

“Nếu tính theo những dự báo bảo thủ nhất thì đều thấy, dự án vẫn còn hiệu quả”.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Thông thường, các báo cáo về dự án đầu tư xây dựng quan trọng của quốc gia, các dự án cần phải báo cáo Quốc hội thì Chính phủ thường có báo cáo vào cuối năm, đó là theo quy định.

Riêng về dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, do lần này Quốc hội yêu cầu nên Chính phủ sẽ báo cáo. Tại sao vừa qua có dư luận về dự án này? Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công thương rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án theo kết luận của Bộ Chính trị để báo cáo Bộ Chính trị, vì thế mới có báo cáo về dự án, kể cả việc tổ chức các hội thảo liên quan đến hai dự án bauxite. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chuẩn bị báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
 

PV: Thưa Phó Thủ tướng, từ thời điểm Chính phủ đồng ý dừng xây dựng cảng Kê Gà, đến nay Bộ Công thương đã có báo cáo về dự án này lên Chính phủ chưa?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Bộ Công thương báo cáo nhiều lần, thường xuyên cả về hiệu quả dự án, cảng Kê Gà, đường vận chuyển…

PV: Quan điểm của Chính phủ về việc triển khai dự án này như thế nào, thưa ông?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chính phủ đã thực hiện đúng theo các quan điểm, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội. Theo báo cáo của Bộ Công thương rà soát lại hiệu quả của dự án thì thấy rằng tuy dự án bị ảnh hưởng rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, nên làm cho mặt bằng giá bị hạ xuống, tác động xấu đến hiệu quả của dự án.

 Tuy vậy, dự án nếu tính về dài hạn thì vẫn có hiệu quả, chỉ làm cho số năm lỗ kế hoạch kéo dài hơn, cái đó sẽ ảnh hưởng đến khó khăn cho Vinacomin. Tập đoàn đã bố trí lượng vốn để bảo đảm cho những năm lỗ kế hoạch, bây giờ số năm lỗ kế hoạch kéo dài ra thì họ phải dàn xếp lượng vốn đó. Vinacomin khẳng định là đã dàn xếp được. Ngoài ra, thời gian hiệu quả của dự án, tức là thời gian hoàn vốn, sẽ kéo dài hơn.

Tuy vậy, theo một số dự báo về mặt bằng giá ulumin, giá nhôm trên thế giới và tính theo những dự báo bảo thủ nhất thì đều thấy, dự án vẫn còn hiệu quả. Vì thế, dự án không đến mức quá lo lắng. Tuy vậy, trong quá trình quản lý dự án, chủ đầu tư phải hết sức thận trọng, quản lý phải hiệu quả. Vì kế hoạch như vậy nhưng lúc anh quản lý mà không tốt, có sơ sẩy thì hiệu quả sẽ bị phá vỡ.

PV: Tất cả những thông số để nói rằng dự án vẫn hiệu quả đều xuất phát từ phía Vinacomin. Vì thế dư luận thấy chưa thuyết phục?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Từ một phía, nhưng phía đó lại hết sức quan trọng, vì họ là chủ đầu tư. Ai là người chịu trách nhiệm về dự án? Chính là chủ đầu tư. Hai nữa, cơ quan nào kiểm tra dự án này, đó là Bộ Công thương.

 Bộ Công thương đã cho kiểm tra nhiều năm chứ không phải là 1 năm, rà soát đi rà soát lại, đã đánh giá hiệu quả dự án. Như tôi đã nói, dự án này bị tác động rất lớn của suy thoái kinh tế. Mà không phải chỉ dự án bauxite Tây Nguyên chịu ảnh hưởng, rất nhiều dự án khác cũng chịu tác động như vậy. Trong điều kiện đó, sau khi kiểm tra dự án vẫn còn hiệu quả thì phải tiếp tục, nhưng đi liền với đó là phải quản lý rất chặt chẽ.

Nhưng cũng cần khẳng định một điều, nếu điều hành dự án không tốt thì có thể lại chuyển sang lỗ, không có hiệu quả, vì dự án này là 30 năm chứ không phải 1-2 năm. Vì thế, chúng ta phải có cách đánh giá, quản lý thật tốt trong thời gian dài. Đầu tư dự án trong suốt mấy năm trời, rất vất vả nhưng mới chỉ là bắt đầu của cả một quá trình dài hơi 30-40 năm vận hành, hoàn vốn, trả nợ, sinh lời.

PV: Vinacomin mong dư luận ủng hộ để họ triển khai dự án. Vấn đề là bây giờ, khi làm dự án thì Chính phủ phải chỉ đạo như thế nào để Tập đoàn triển khai dự án có hiệu quả?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chính phủ đã giao Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát hiệu quả dự án này. Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo hàng năm nay chứ không phải bây giờ mới chỉ đạo. Vì thế, họ đã phải tính rất kỹ càng rồi.

Trong quá khứ, chúng ta cũng đã có những dự án như thế, ví dụ khi làm dự án phân đạm, ai cũng lo lỗ, bảo không làm vì giá thế giới chỉ có chừng đó, nhưng khi làm thì có lãi. Dự án sản xuất phân bón DAP cũng vậy, khi làm không một ngân hàng nào muốn cho vay.

 Dự án DAP ghi trong Nghị quyết của 4 Đại hội Đảng, không ai muốn làm vì khó khăn trong vốn liếng, khi làm ai cũng lo lỗ. Nhưng thực tế thì ngay năm đầu dự án đã có lãi, không có cả khái niệm lỗ kế hoạch.

Nhưng nói thế không có nghĩa dự án đó sẽ có hiệu quả, vì như tôi nói đó là dự án dài hạn, nếu anh vận hành không cẩn thận thì chỉ lãi được 2-3 năm, sau đó thì lỗ. Và cuối cùng trách nhiệm là ai, là chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đến cùng, vì thế chủ đầu tư phải rà soát, xem xét lại tất cả các vấn đề; các bộ ngành cũng phải theo dõi, xem xét, đánh giá để bảo đảm dự án có hiệu quả.

PV: Thực tế, trong nội bộ Vinacomin cũng có ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng cứ làm vì sẽ lãi, luồng ý kiến khác lại bảo dừng vì chắc chắn sẽ lỗ. Điều này khiến dư luận lo lắng là điều dễ hiểu, thưa ông?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Mọi người vẫn nghĩ đến khía cạnh Vinacomin là doanh nghiệp Nhà nước, vì thế lo lắng của dư luận là đúng thôi. Nhưng tôi cho rằng, kể cả dự án đó là của doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta cũng phải lo lắng. Vì sao, vì dự án của tư nhân thì cũng là tiền của xã hội. Tư nhân cùng lắm chỉ có 30% vốn của họ, 70% còn lại là vay ngân hàng, nên tiền đó cũng là tiền xã hội. Vì vậy nếu dự án không hiệu quả thì đất nước này cũng gánh chịu, vì thế đều phải lo lắng chứ không chỉ là lo vì đó là dự án của doanh nghiệp Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.


(theo VOV Online)

Ý kiến bạn đọc