Nông nghiệp không còn là chỗ dựa an toàn

11:55, 31/05/2013
|

(VnMedia) - Trong các giai đoạn kinh tế khó khăn, nông nghiệp luôn được cho là cứu cánh, là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, hiện nay nông nghiệp không còn là chỗ dựa an toàn...


>>Nông nghiệp, nông thôn là "cứu cánh" khi nền kinh tế suy thoái
 

Thảo luận tại hội trường ngày 30/5, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề đời sống nông dân nói riêng và nền nông nghiệp nói chung, bởi theo các đại biểu, nền nông nghiệp của chúng ta đang “lung lay”.

 

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), sau nửa năm phấn đấu nhưng bức tranh kinh tế đã nhận định là ảm đạm hơn với trên 69% doanh nghiệp báo lỗ. Cả hàng và tiền đều ách tắc, đặc biệt là thành thị, các chỉ số tăng trưởng trong nông nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và vốn được coi vững chắc nhất là nông nghiệp cũng đang lung lay theo chiều hướng xấu đi rõ rệt.

 

Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng nhận xét rằng, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Giá cả nông sản giảm trong khi đó đời sống của một bộ phận nông dân gặp khó khăn.

 

Đồng quan điểm với đại biểu tỉnh Quảng Trị, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét, trong khi công nghiệp, xây dựng có phần đình đốn, dịch vụ rơi vào thưa vắng, chỉ còn nông nghiệp đang cố gắng hoạt động để nuôi sống cả nước dù nông dân đang phải chịu lỗ kép.

 

Đặc biệt, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) còn tỏ ra lo lắng hơn khi nhận xét, nền nông nghiệp đang rất khó khăn và nông nghiệp không còn là chỗ dựa an toàn cho công nhân trở về như những năm trước.


 Ảnh minh họa

Đại biểu Trần Du Lịch: nông nghiệp không còn là chỗ dựa an toàn cho công nhân trở về như những năm trước

 

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho biết, cử tri có ý kiến rất nhiều về chính sách đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm. “Đề nghị Chính phủ cần xem xét, quy hoạch đầu tư có chính sách một cách cụ thể, nếu không thì khu vực phát triển tưởng sẽ giàu nhưng mà sẽ trở thành nghèo. Chính phủ cần đánh giá, xem xét lại xem có biện pháp gì để xích gần lại hai mối quan hệ này” – đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc nói.

 

Phân tích kỹ về những khó khăn của nông dân, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho biết, chỉ số giá nông nghiệp tăng nhanh trong 3 năm gần đây nhưng giá mua tại ruộng vẫn không tăng nhiều, thu nhập của nông dân không tăng, đương nhiên sức cầu giảm.

 

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cũng nói rằng, giá vật tư nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào thì tăng nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân.

 

“Chúng ta cũng biết rằng, hiện nay người nông dân Việt Nam chỉ biết quanh quẩn với miếng ruộng, mảnh vườn, ao cá, chuồng gà. Nhưng giờ đây tất cả tư liệu sản xuất đó đối với họ đều không dễ dàng tạo ra lợi nhuận để nuôi sống chính bản thân họ, mà ngược lại nó còn làm cho đời sống của người nông dân có lúc gặp khó khăn, gây tâm lý bất an trong xã hội chỉ vì nguyên nhân suy giảm của nền kinh tế.” - đại biểu tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh và thêm rằng, đời sống của người nông dân Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây càng ngày càng khó khăn hơn.

 

“Với những diễn biến về tình hình đời sống của người nông dân như thế, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm này thuộc về ai, của Nhà nước hay của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản Việt Nam , hay trách nhiệm này lại thuộc về người nông dân? Nhưng dù trách nhiệm này là của ai đi nữa thì thiệt thòi cuối cùng vẫn thuộc về người nông dân!” – đại biểu Trần Quốc Tuấn khẳng định.

 

Nông dân cần “chiếc cần câu to”

 

Băn khoăn về đời sống khó khăn của người nông dân và lo lắng cho ngành sản xuất được gọi là “trụ đỡ của nền kinh tế”, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất rất nhiều ý kiến tâm huyết để vực dậy nền nông nghiệp.

 

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận định: “Chúng ta nhiều lần đã chứng kiến trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế thì sản xuất nông nghiệp lại tỏa sáng, góp phần ổn định vĩ mô, ổn định xã hội. Như vậy công lao của bà con nông dân rất lớn không ai có thể phủ nhận”. Vì vậy, đại biểu Trương Minh Hoàng kiến nghị với Chính phủ cần nghiên cứu phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng những mô hình cách thức hợp lý thay vì cho doanh nghiệp vay để mua, chế biến xuất khẩu.

 

“Chính phủ có thể hỗ trợ cho bà con nông dân về lãi suất, các khoản vay phục vụ cho sản xuất, tạm trữ, tổ chức lại cho nông dân thành các hợp tác xã lúa gạo có thể có hệ thống bảo quản đạt tiêu chuẩn phát hành chứng chỉ tồn trữ gạo như mô hình Thái Lan đang làm. Đối với tất cả các hình thức hỗ trợ khác cho nông dân, nông thôn cũng đều cố gắng hướng đến hộ nông dân. đến hợp tác xã của nông nghiệp. Có như vậy mới khuyến khích giá trị gia tăng cho sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy người nông dân mới thực sự làm giàu trên mảnh đất của mình” – đại biểu tỉnh Cà Mau đề xuất.

 Ảnh minh họa

ĐẠi biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên nhưng chưa đạt được kỳ vọng

 

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị Chính phủ cần quan tâm lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản, sớm xây dựng các đề án, các quy chuẩn hoạt động của hiệp hội ngành nghề, tạo khung pháp lý xử lý mạnh những hành vi doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh như bán dưới giá vốn, thao túng thị trường, ép giá nông dân.

 

“Vấn đề này nếu để chậm nông dân sẽ mất hết nguồn năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, mất việc làm, làm tăng nguy cơ nợ xấu ở khu vực nông nghiệp, làm các nhà đầu tư quay lưng lại với lĩnh vực này, vì đối tượng hưởng lợi hiện nay là người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn là bệ đỡ vững chắc trong thời buổi suy thoái kinh tế, cần mạnh dạn có chính sách đặc thù cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn” – đại biểu tỉnh Bến Tre phân tích.

 

Trong khi đó, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

 

“Từ 2010 đến nay mức đầu tư ngân sách nhà nước cho nông nghiệp nông thôn rất thấp, trên dưới 1,5% GDP. Trong khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP trên dưới 20%. Đây là quyết sách lâu bền của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp trên cơ sở thay thế Quyết định 80 năm 2002 của Chính phủ theo lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ kỳ họp thứ 2 đến nay chưa được ban hành” – đại biểu Trương Văn Vở nói.

 

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng). Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, dầu tư hạ tầng nông thôn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, trợ giá một số mặt hàng, xây dựng thành công nông thôn mới.

 

Ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, cần đầu tư mạnh dạn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để từ đó có thể đề ra các giải pháp khẩn cấp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, giúp họ yên tâm giữ vững miếng ruộng, mảnh vườn, ao cá, chuồng gà của họ.

 

Đặc biệt, đại biểu Thích Thanh Quyết đã có một phát biểu rất tâm huyết khi đánh giá rằng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm mọi mặt đến đời sống của nhân dân, đặc biệt vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu Thích Thanh Quyết cho biết, các cử tri ở vùng đặc biệt khó khăn đề xuất Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ đối với vùng đặc thù là hỗ trợ theo vùng, tạo cho cả vùng có cơ sở hạ tầng tốt để họ tự thoát nghèo một cách bền vững.

 

“Nghĩa là Chính phủ không nên cho họ con cá nữa, vì cứ cho họ cá là họ ăn cá liền, nghèo vẫn hoàn nghèo. Chính phủ nên cho họ cần câu, mà phải là cần câu to thì thoát nghèo mới nhanh chóng và bền vững được” – đại biểu Thích Thanh Quyết nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc