Người Việt thông minh, tại sao khoa học lạc hậu?

06:20, 27/05/2013
|

(VnMedia) - Phát biểu góp ý cho Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Vì sao người Việt được đánh giá là thông minh mà nền khoa học đến nay vẫn bị đánh giá là lạc hậu?

 

Ngày 25/5, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi). Phần lớn đại biểu đánh giá dự thảo trình tại kỳ họp lần này đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến tham gia của các vị đại biểu cũng như các kênh tham gia ý kiến khác.

 

Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài trong khoa học lại được các đại biểu đặt ra, với nhiều ý kiến băn khoăn.


 Ảnh minh họa

 Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập

 

Cần quan tâm đến điều kiện sống của nhà khoa học
 

Góp ý cho Điều 23 trong Dự thảo về sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài khoa học và công nghệ, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho rằng, quy định “được trang bị các phương tiện và tạo điều kiện làm việc thuận lợi bằng hoặc cao hơn mức quy định cho cán bộ, công chức nhà nước và phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao” là chưa tương xứng với vị trí và vai trò của khoa học công nghệ, là quốc sách hàng đầu. Chưa thể hiện được chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, chưa thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, trình độ chuyên môn giỏi tham gia vào hoạt động khoa học công nghệ.

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy đề nghị sửa lại Điểm c, Khoản 1 thành “được trang bị các phương tiện và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cao hơn mức quy định cho cán bộ, công chức nhà nước và phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao.

 

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đồng tình với các nội dung của Dự thảo và đề nghị Quốc hội sớm thông quan, tuy nhiên, ông cũng cho rằng, các nhà khoa học đầu ngành là nguồn nhân lực chất xám hết sức quý báu nhưng không nhiều của đất nước. Vì vậy, cần có quy định các chế độ ưu đãi đặc biệt cho đối tượng này để các nhà khoa học đầu ngành yên tâm cống hiến và cũng để động viên cho các đối tượng khác phấn đấu noi theo.

 

“Dự thảo lần này đã tiếp thu chỉnh sửa quy định nhiều chế độ ưu đãi cho các nhà khoa học đầu ngành, được hưởng mức phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi cũng cần quan tâm về điều kiện sống như về nhà ở cho các nhà khoa học công nghệ đầu ngành. Điều này cũng là tương xứng với các ưu đãi cho các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được quy định ở Điều 24” – đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị,

 

Với lý do đó, đại biểu Trần Văn Minh đề nghị bổ sung, sửa đổi Điểm d, Khoản 2 là “được hưởng ưu đãi về nhà ở và được hưởng mức phụ cấp ưu đãi đặc biệt của Thủ tướng, của Chính phủ”.

 

Về nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đại biểu tỉnh Quảng Ninh “có một câu hỏi lớn” đặt ra, đó là: “Người Việt Nam chúng ta xưa nay vẫn được đánh giá là thông minh, cần cù. Nhưng vì sao cho đến nay, nền khoa học nước ta vẫn bị đánh giá là lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước?”

 

Theo ông Minh, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam hiện nay còn hạn chế, trong đó chủ yếu là do việc đãi ngộ. “Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều bất cập. Chính sách phát triển khoa học công nghệ chưa mang tính đặc thù” – đại biểu Minh nhấn mạnh.

 

Đại biểu tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị cần bổ sung thêm một Khoản 1 Điều 23 là “người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học công nghệ được hưởng từ các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao để tạo động lực cho các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ”.

 

Nên... tiết kiệm từ “ưu đãi”

 

Dẫn chứng cho việc Dự thảo luật đề cao vai trò của nhà nước trong việc quan tâm đến lĩnh vực khoa học công nghệ, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (thành phố Hà Nội) nói: “Nhìn tổng thể luật này cho thấy vai trò của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Chúng ta thấy Nhà nước điều chỉnh rất nhiều thứ, kể cả tổ chức, kể cả nhiều lĩnh vực trong hoạt động khoa học, tôi đếm ở đây thấy có 49/83 điều nói quan hệ trực tiếp quản lý của Nhà nước thực hiện với cộng đồng khoa học, rất nhiều chữ như "Nhà nước cho phép, Nhà nước giao nhiệm vụ, Nhà nước cấm, Nhà nước khen, Nhà nước quy hoạch, Nhà nước công nhận, Nhà nước ưu đãi". Có một trang đếm được 14 từ ưu đãi, ưu tiên trong ngoặc” – đại biểu Trịnh Ngọc Thạch liệt kê.

 

Đánh giá rằng việc này khiến cho các nhà khoa học rất phấn khởi, nhưng đại biểu thành phố Hà Nội cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ từ ngữ này chúng ta nên tiết kiệm một chút. Ưu tiên, ưu đãi nhiều lắm nhưng các nhà khoa học hiện nay vẫn rất vất vả”.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc