Luật Việt Nam cần có chế định về "ly thân"

11:52, 01/05/2013
|

(VnMedia) - Vì vấn đề ly thân chưa được quy định trong luật pháp nên nhiều người đã lợi dụng tình trạng này để trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng đối với con cái...

 

Theo thống kê, ở nước ta có tới 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân. Đây là giai đoạn làm phát sinh nhiều hậu quả về nhân thân, tài sản và con song chưa được pháp luật Hôn nhân và Gia đình quy định...

 

Chị Hoàn (thành phố Cần Thơ) kết hôn với anh Thiện đã gần 10 năm và có 2 cô con gái. Trong suốt thời gian ấy, chị Hoàn sống cùng gia đình nhà chồng. Hai năm gần đây, do vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, mẹ chồng chị Hoàn lại tỏ thái độ hắt hủi con dâu nên chị Hoàn đành phải về ở nhờ nhà mẹ đẻ, nhưng không ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian sống ly thân này, anh Thiện không hề có một nghĩa vụ nào đối với việc nuôi 2 con nhỏ. Trên danh nghĩa, anh ta vẫn là chồng chính thức của chị Hoàn nên chị không thể nhờ tòa án yêu cầu chồng chu cấp tiền bạc nuôi con.

 

Trường hợp như của chị Hoàn là khá phổ biến đối với những cặp vợ chồng đang sống ly thân. Tuy nhiên, còn có rất nhiều trường hợp rắc rối khác liên quan đến vấn đề tài sản trong thời gian ly thân và trường hợp của vợ chồng anh Thuấn (thành phố Thanh hóa) là một ví dụ.

 

Hai vợ chồng anh Thuấn và chị Hương đã ở trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” từ nhiều năm nay. Một thời gian sau, chị Hương đi xuất khẩu lao động và hai người cũng không ra tòa làm thủ tục ly hôn. Họ nghĩ rằng, cứ sống như vậy để con cái có cả cha và mẹ. “Tôi định chờ vài năm nữa, đến khi con gái đi lấy chồng rồi thì hai vợ chồng mới ra tòa để khỏi ảnh hưởng đến việc tìm bạn đời của con gái. Đằng nào thì cũng sống mỗi người một nơi, chẳng ai ảnh hưởng đến ai” - chị Hương chia sẻ.

 

Tuy nhiên, có một điều chị Hương khá lo lắng, đó là trong thời gian ly thân này, chị Hương có gửi tiền về để mẹ đẻ mua hộ một mảnh đất. Chị không biết rằng theo luật thì khi hai người ra tòa ly hôn, chị có phải chia số tài sản mà mình dành dụm được trong thời gian hai vợ chồng sống ly thân hay không.

 

Mặt khác, ở nước ta có một cộng đồng lớn cư dân theo Công giáo với giáo lý không chấp nhận việc ly hôn. Do đó, rất nhiều quan hệ hôn nhân trong cộng đồng công giáo đổ vỡ nhưng không thể ly hôn và đã phải sống ly thân. Nhưng vì pháp luật nước ta không quy định về vấn đề ly thân nên quyền, lợi ích hợp pháp của họ và con chưa thành niên không được pháp luật bảo vệ, không đảm bảo được sự ổn định của gia đình cũng như sự minh bạch, công khai trong các giao dịch.


Không chỉ liên quan đến con cái hay tài sản, nhiều vụ đánh ghen, thậm chí gây ra án mạng trong thời gian ly thân bởi một trong hai người cho rằng khi đã ly thân là mình có quyền tự do đi tìm bạn đời, còn người kia thì không chấp nhận vì trên danh nghĩa, họ vẫn là vợ chồng. Trong khi đó, nhiều người khác lợi dụng sự mập mờ của tình trạng ly thân kéo dài để trốn tránh trách nhiệm làm chồng, làm cha mặc dù không muốn ly hôn.

 Ảnh minh họa
 

 

Cần đưa vấn đề ly thân vào luật

 

Theo thống kế cho thấy, có tới 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam lại chưa có chế định về ly thân. Trong khi đó trên thực tế đã và đang xảy ra rất nhiều vấn đề trong giai đoạn ly thân như những ví dụ kể trên, đòi hỏi phải có sự tham gia của pháp luật.

 

Một lãnh đạo của UBND Lâm Đồng nhận định, một trong những nguyên nhân để nhiều người dễ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trước khi tiến tới ly hôn là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chưa có định chế ly thân. Việc ly thân ở Việt Nam hiện nay là vấn đề xảy ra trong thực tế, do các cặp vợ chồng tự đặt ra, trên cơ sở khi không yêu thương nhau nữa thì một bên sẽ bỏ ra ở riêng, để tránh hàng ngày phải trông thấy mặt nhau; và ngay từ lúc đó, quyền được chăm sóc của con có thể bị tổn hại do chưa có định chế “ly thân” quy định trách nhiệm của cha mẹ khi ly thân.

 

Đáng lưu ý là, mặc dù định chế ly thân chưa có trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, nhưng khi xét xử, các tòa án lại thường công nhận tình trạng ly thân và dùng làm căn cứ để giải quyết cho ly hôn.

 

Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị, khi sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, cần bổ sung quy định về ly thân vào luật theo hướng: “Ly thân là tình trạng vợ chồng được phép không chung sống trong cùng một nơi cư ngụ, hoặc vẫn sống trong cùng nơi cư ngụ nhưng sinh hoạt riêng biệt. Tình trạng ly thân không làm mất các nghĩa vụ của vợ chồng đối với các hành vi dân sự”.

 

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị quy định, “Trong thời gian chờ tòa án xem xét giải quyết việc ly hôn, hai bên vợ chồng được sống ly thân trong thời hạn 24 tháng, sau thời hạn này, nếu vẫn còn yêu cầu ly hôn, tòa án sẽ quyết định.Trong thời gian sống ly thân, vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ đóng góp công sức nuôi dạy các con.”

 

“Ly thân được áp dụng khi có yêu cầu của một bên hoặc cả hai vợ chồng, chế định về ly thân bao gồm các nội dung về căn cứ ly thân, thời hạn ly thân, hậu quả pháp lý của ly thân, thẩm quyền giải quyết ly thân” - UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất đưa vào Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

 

Định chế ly thân được các nước phương Tây áp dụng từ rất lâu, hiện vẫn còn được sử dụng như là một biện pháp giảm xung khắc giữa hai bên, cũng như xem đó là bước tiền ly hôn. Theo đó, khi ly thân, hai người vẫn là vợ chồng, vẫn có nghĩa vụ đóng góp để nuôi con, chỉ có điều họ không sống chung trong một nhà nữa, hoặc nếu phải sống chung trong một nhà, thì sinh hoạt của hai người không có ràng buộc (trừ việc nuôi con).

 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc