(VnMedia) - Trong phần giải trình việc giữ nguyên quy định về Đảng trong Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban đã đề nghị không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào Hiến pháp.
Liên quan đến khoản 3, Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, ông Phan Trung Lý, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, đa số các ý kiến đồng tình với quy định các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
“Điều này có nghĩa là tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm thì không chỉ bị xử lý, kỷ luật theo Điều lệ Đảng mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể lấy việc xử lý sai phạm bằng hình thức kỷ luật của Đảng để thay thế cho việc xử lý bằng pháp luật. Có ý kiến đề nghị không cần quy định khoản này vì mọi người đều có trách nhiệm thi hành Hiến pháp và pháp luật chứ không riêng gì các tổ chức Đảng và đảng viên” – ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Khẳng định về mặt pháp lý, tổ chức Đảng và đảng viên cũng đều được đối xử như đối với các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội, tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) cũng đồng tình với việc nhấn mạnh nghĩa vụ “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” đối với các chủ thể này bởi nó có ý nghĩa nhắc nhở các tổ chức Đảng và từng đảng viên không chủ quan, ỷ vào vai trò lãnh đạo của Đảng; không được có các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, coi thường pháp luật.
“Bên cạnh trách nhiệm đối với Đảng, tổ chức Đảng và từng đảng viên còn phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, qua đó vừa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bản thân, vừa tăng thêm uy tín của Đảng đối với nhân dân, với xã hội” – ông Phan Trung Lý thay mặt Ủy ban DTSĐHP nói rõ thêm.
.
Không ban hành Luật Đảng
Quá trình lấy ý kiến về Hiến pháp cho thấy, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Ý kiến này đề nghị cần có luật về Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên.
Về vấn đề này, theo phân tích của Ủy ban DTSĐHP thì “Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo về mặt chính trị thông qua Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách, chủ trương lớn của mình. Cách thức, nội dung lãnh đạo được thể hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Hơn nữa, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề đang được tổng kết, nghiên cứu.”
Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đã đề nghị không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào Hiến pháp.
“Không ai khẳng định nhiều đảng tốt hơn một đảng”
Góp ý cho Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp, có ý kiến đề nghị yêu cầu phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập vì như vậy mới bảo đảm dân chủ.
Về vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP phân tích: “Về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền của nhân dân tự mình quyết định hoặc tham gia với Nhà nước quyết định với những vấn đề nhất định. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hình thức chính trị - nhà nước. Nó thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính nhà nước và pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Vì vậy, không ai khẳng định là nhiều đảng sẽ tốt hơn một đảng”.
Dẫn chứng thực tiễn ở Việt Nam, ông Phan Trung Lý cho biết, không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
“Ở nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt
Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng phân tích sâu thêm về thực tế đa đảng ở các nước khác. Theo đó, trên thế giới, tuy có nhiều nước tuyên bố theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng thực chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản mặc dù các đảng này có thể có các tên gọi khác nhau. Các đảng thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp tư sản. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau (thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực) và điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội.
“Do vậy, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội” – Ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Tổng hợp các ý kiến và phân tích từ lý thuyết tới thực tiễn, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý thay mặt Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định “giữ quy định về Đảng ở mức độ như đã thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân”.
Ý kiến bạn đọc