(VnMedia) - Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung các trường hợp về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân... trong mục quy định về Chủ tịch nước...
Chiều nay (20/5), Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo ông Phan Trung Lý, nhìn chung, ý kiến của nhân dân tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) công bố, đồng thời nhân dân cũng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo.
Ủy ban DTSĐHP dự kiến chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung các trường hợp về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân... |
Báo cáo của Ủy ban DTSĐHP cho biết, qua tổng hợp, cơ bản ý kiến nhân dân tán thành với quy định về Chủ tịch nước như Dự thảo đã công bố và tập trung vào 4 vấn đề chính.
Cụ thể, về thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với hoạt động lập pháp, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong hoạt động lập pháp như Dự thảo; Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung quy định trước khi công bố luật, Chủ tịch nước tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội xem xét lại luật đã được Quốc hội thông qua.
Ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, theo nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta thì Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, nhưng Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chủ tịch nước đã tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và ban hành luật. Do vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào Dự thảo.
Về thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với hoạt động hành pháp, có ba loại ý kiến. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của Dự thảo, khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm và loại ý kiến thứ ba không tán thành với quy định của Dự thảo mà đề nghị giữ như Hiến pháp hiện hành.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại thì trong một số trường hợp cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm để giúp Chủ tịch nước thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, Ủy ban DTSĐHP chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung này theo hướng: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Về thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang (khoản 5 Điều 93), có ý kiến đề nghị cân nhắc có nên quy định Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang trong Hiến pháp.
Về vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP phân tích: Quy định về vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước là kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992. Mặt khác, các quy định về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh trong các lực lượng vũ trang nhân dân hoặc giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh,... đã làm rõ hơn nội hàm thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước.
Về thẩm quyền phong hàm cấp tướng và bổ nhiệm các chức danh trong Quân đội nhân dân Việt Nam (khoản 5 Điều 93), loại ý kiến thứ nhất đề nghị ngoài thẩm quyền phong hàm, cần bổ sung quy định về thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời, ngoài việc bổ nhiệm, cần bổ sung việc miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng, Chủ tịch nước với tư cách thống lĩnh các lực lượng vũ trang nên cần thiết phải quy định thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ tư lệnh Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn và tương đương vì đây là các chức danh chỉ huy quân đội, chứ không phải chức danh quản lý nhà nước.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, căn cứ vào mô hình tổ chức bộ máy của Nhà nước ta và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp. Do đó, Ủy ban DTSĐHP dự kiến chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung các trường hợp về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho đầy đủ và phù hợp.
Không thay đổi các quy định về Chính phủ
Qua tổng hợp, cơ bản các ý kiến nhân dân tán thành với quy định về Chính phủ như Dự thảo đã công bố. Về vị trí, tính chất của Chính phủ, hiện có hai loại ý kiến như sau:
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định vị trí, tính chất của Chính phủ như Dự thảo công bố lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội vì trong chức năng “hành pháp” và “hành chính” đã thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ chấp hành Hiến pháp, luật, nghị quyết do Quốc hội thông qua. Về bản chất, việc Chính phủ tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật chính là hoạt động chấp hành ý chí của nhân dân được thể hiện trong các đạo luật do Quốc hội ban hành, phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất và thuộc về nhân dân. Việc không tiếp tục quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội sẽ làm rõ hơn vai trò hành pháp và sự phân công quyền lực cho Chính phủ trong quan hệ với Quốc hội, bảo đảm tính độc lập tương đối, sự kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với cơ quan lập pháp, tạo cơ sở để Chính phủ chủ động, năng động hơn trong quản lý, điều hành.
Theo giải trình của Ủy ban DTSĐHP, vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở nước ta phải được xác định trên cơ sở nguyên tắc: "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra.
Với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội được nhân dân uỷ quyền ban hành Hiến pháp, luật, nghị quyết, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thiết lập nên các cơ quan hiến định trong bộ máy nhà nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Do đó, Chính phủ là cơ quan hành pháp có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành, đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo công tác với Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội. Vấn đề này cũng đã được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây của nước ta. Trong thực tế vừa qua, quy định này chưa thấy có gì vướng mắc, cản trở hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ.
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ khi nhậm chức
Liên quan đến việc tuyên thệ khi nhậm chức, ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị đối với một số chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước, khi nhậm chức cần thực hiện việc tuyên thệ, vì đây là một nghi thức nhà nước quan trọng. Quy định này nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước do Quốc hội bầu.
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến nhân dân, Ủy ban DTSĐHP đã bổ sung trình Quốc hội quy định về việc tuyên thệ khi nhậm chức của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại khoản 7 Điều 75.
Tuy nhiên, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc tuyên thệ là hình thức, không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta, vì vậy không cần quy định trong Hiến pháp.
Ý kiến bạn đọc