(VnMedia) - Cho rằng trên xe có lắp thiết bị giám sát hành trình là để kiểm soát hành vi của lái xe, nhiều tài xế rút cầu chì hoặc đổ nước vào để vô hiệu hoá thiết bị. Không ít trường hợp lái xe vừa hoàn tất hành trình dài trở về được thuê đi tiếp, do tham tiền, đã không ngần ngại điều khiển xe lên đường dù sức khỏe không đảm bảo...
>>Rúng động những tai nạn chết hàng chục người
>>Tai nạn dồn dập: Có lỗi cảnh sát giao thông?
>>Tai nạn giao thông thảm khốc: Lỗi của ai?
Để tiếp tục đi tìm câu trả lời cho những nguyên nhân gây lên hàng loạt các vụ tai nạn giao thông xe khách thời gian qua, khiến hàng chục người chết thảm, VnMedia đã có cuộc trò chuyện với một số lái xe chuyên nghiệp và thật sự cảm thấy run sợ khi được nghe kể lại sự liều lĩnh của các lái xe hiện nay.
Anh Vũ, từng là một lái xe chuyên nghiệp nay chuyển sang làm quản lý trong một công ty xe buýt của Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây tai nạn giao thông có nhiều. Tuy nhiên, chủ yếu là do lỗi của lái xe.
Phân tích một số vụ xe khách đấu đầu với xe tải, xe container thời gian qua, anh Vũ cho rằng, phần lớn các vụ tai nạn này xảy ra là do lái xe chạy đường dài, tăng ca liên tục, dẫn đến buồn ngủ trong quá trình điều khiển xe cho nên không làm chủ tay lái.
“Không nói đâu xa, ngay như việc điều khiển xe máy cũng vậy, nếu lái xe tỉnh táo thì khi sắp xảy ra va quệt, người điều khiển xe hoàn toàn có thể lách xe ra tránh được. Đành này các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, chủ yếu là do 2 xe đâm thẳng vào nhau. Từ đó có thể thấy, do tài xế điều khiển xe trong tình trạng buồn ngủ nên không kịp xử lý tình huống, đến khi kịp choàng dậy thì sự việc đã rồi”, anh Vũ phân tích.
Hiện trường vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách làm 6 người chết ngày 11/5 vừa qua. |
Đề cập đến tình trạng lái xe phóng bạt mạng trên đường hiện nay, anh Vũ cho rằng, phần lớn lái xe phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn trên đường là để bắt khách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Tất nhiên, cũng có những vụ tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng đường sá ở nơi đó quá kém, nhưng đó không phải là nhân tố chính dẫn đến tai nạn nếu tài xế điều khiển xe làm chủ tốc độ, làm chủ tay lái.
Theo tiết lộ của anh Vũ, trong đội ngũ lái xe hiện nay, không ít trường hợp, lái xe khách là những “con nghiện”. Những người này khi điều khiển xe thì lượn, lách rất tốt, phóng thì nhanh không ai bằng. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận, nên sẵn sàng thuê những lái xe như vậy chỉ cần đủ doanh thu.
Hơn nữa, do hiện nay, tài xế xe khách và container đang thiếu nghiêm trọng cho nên nhiều người vừa hoàn thành xong hành trình dài ngày trở về, được thuê đi tiếp, do tham tiền nên lại điều khiển xe đi ngay.
Không ít trường hợp lái xe do sợ phải chạy dài ngày nên sau khi nhận xe thì thuê người khác lái dẫn đến tai nạn. Với những trường hợp như vậy, sau khi gây tai nạn lái xe được thuê kia sẽ bỏ trốn khỏi hiện trường; sau đó lái xe được giao nhiệm vụ sẽ đến trình diện với cơ quan công an để nhận lỗi.
Không thể kiểm soát lái xe chạy trên đường?
Đề cập đến biện pháp kiểm tra, kiểm soát lái xe chạy trên đường để hạn chế tai nạn giao thông, anh Vũ cho rằng, với thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt hiện nay, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể biết được từng động tĩnh nhỏ của lái xe trên tuyến đường.
Lấy ví dụ thiết bị này đang được giám sát trên xe buýt chạy trong nội đô Hà Nội, anh Vũ cho biết, với thiết bị giám sát hành trình (GPRS), cơ quan quản lý chỉ cần ngồi nhà có thể biết, xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu ở đoạn nào; bỏ bến ở đâu, dừng đỗ sai quy định ở đâu; thậm chí xe đang chạy nhưng cửa mở ở đoạn nào hay gặp ùn tắc giao thông ở phố nào….
Với ô tô khách và các phương tiện khác cũng vậy, nếu được lắp đặt thiết bị này thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể điều khiển lái xe từ xa. “Chỉ cần một hệ thống điều hành chung với một vài nhân viên trực ngồi nhà, doanh nghiệp có thể theo dõi chiếc xe đang chạy. Mỗi khi phát hiện xe chạy nhanh, quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai phần đường… là nhắc luôn thì sẽ không có chuyện xảy ra tai nạn giao thông”, anh Vũ cho biết.
Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một hệ thống kiểm soát thiết bị giám sát hành trình tốt, đồng thời phải cử người gác trực thường xuyên để kịp thời nhắc nhở tài xế mỗi khi vi phạm quy định về an toàn chạy xe.
Để làm được việc này, công tác tuyên truyền cho các tài xế về tác dụng của thiết bị giám sát hành trình là khá quan trọng, nếu không, tài xế dễ hiểu nhầm là thiết bị này để giám sát, bắt lỗi họ nên họ hay phá hỏng.
“Tài xế chỉ cần rút cầu chì của thiết bị giám sát hành trình là thiết bị thành vô dụng. Hoặc nếu không chỉ cần đổ nước vào là thiết bị hỏng”, anh Vũ cho biết.
Theo anh Vũ, ngay với công ty xe buýt nơi anh đang công tác cũng vậy, ban đầu khi lắp đặt thiết bị này, nhiều tài xế hiểu nhầm là công ty lắp thiết bị để bắt lỗi mình nên dùng mọi cách để phá hỏng. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền và hiểu rõ về tác dụng của thiết bị giám sát hành trình thì tài xế vui vẻ chấp hành.
Ý kiến bạn đọc