(VnMedia) - Chiều 14/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hà Nội cho biết đang đề xuất Bộ VHTT&DL và Tổng cục Du lịch nghiên cứu mô hình thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ khách du lịch.
Sở này cũng đồng thời kiến nghị Bộ sớm có văn bản trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến một số điều khoản xác định hành vi vi phạm và mức chế tài xử phạt đối với hoạt động bán hàng rong, đeo bám, “chặt chém”, lừa đảo du khách.
Trật tự viên (áo xanh) trợ giúp du khách tại TP. Hồ Chí Minh - ảnh: Tuổi trẻ |
Theo Sở VHTT&DL Hà Nội, thời gian qua, Sở đã triển khai công tác quản lý an ninh trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở lưu trú, tuy nhiên, việc triển khai còn gặp khó khăn như chưa có các điều khoản pháp luật quy định cụ thể về hành vi vi phạm và chế tài xử lý, chưa có chính sách, biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý các vi phạm.
Ngoài ra, Sở này cũng cho rằng, thời gian qua, địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ “chặt chém”, lừa đảo du khách nước ngoài làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Thủ đô, gây bức xúc trong dư luận một phần do Hà Nội có địa bàn rộng, nhiều điểm tham quan, thời điểm tham quan của khách xuyên suốt cả 24/24 giờ, việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách lại thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, ngành.
Lãnh đạo Sở VH, TT&DL cho biết đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp để hạn chế thấp nhất những sự việc tương tự xảy ra. Theo Sở VH, TT&DL, bên cạnh sự phối hợp đồng bộ của Công an Thành phố, các quận, huyện và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn cần sự tham gia của cả cộng đồng. Theo đó, người dân cần chủ động phản ánh và tố cáo đến các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý khi có các hành động đáng tiếc xảy ra.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp xảy ra những vụ việc khách nước ngoài bị lừa đảo, "chặt chém" gây bức xúc trong dư luận. Đích thân lãnh đạo ngành du lịch đã phải đến tận nơi xin lỗi du khách. Hành động này được cho là một "hành động đẹp" trong bối cảnh rất hiếm những lời xin lỗi của các quan chức được đưa ra trước sự yếu kém trong quản lý. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, đó chỉ là những động thái mang tính hình thức, bởi trên thực tế, tình trạng khách du lịch cả trong và ngoài nước đang phải chịu nạn chặt chém tại các lễ hội và đặc biệt là trong mùa du lịch là khá phổ biến tại hầu hết các địa phương.
Đề xuất về việc thành lập đơn vị cảnh sát du lịch chuyên trách không phải bây giờ mới có, tuy nhiên, không phải không có những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, nếu ngành du lịch làm tốt công việc của mình, từ việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đến việc tổ chức tuyên truyền, vận động người dân có ý thức trong công tác du lịch thì không cần phải có thêm một lực lượng cảnh sát nữa.
"Hình ảnh cảnh sát ở khắp mọi nơi có thể làm bớt đi nạn chặt chém, nhưng nó lại thể hiện một sự bất lực trong quản lý và đặc biệt sẽ để lại ấn tượng không tốt đối với một Thủ đô Hòa bình trong lòng du khách" - một độc giả của VnMedia đã viết như vậy.
Liên quan khách du lịch quốc tế, hiện có một vấn đề khá "tế nhị" của ngành công an, đó là trình độ tiếng Anh của cảnh sát giao thông. Trong khi lực lượng này có nhiệm vụ trợ giúp du khách thì một cản trở rất lớn là ít người có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. "Tôi đã chứng kiến một du khách nước ngoài khi cần hỏi đường đã đến gặp anh cảnh sát giao thông, tuy nhiên, đồng chí này nghe rồi lắc đầu ra hiệu không hiểu. Ngay sau đó, du khách đã được một anh... xe ôm dùng tiếng Anh hướng dẫn tận tình" - một nhà báo đã nêu thực tế tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều qua (14/5).
Ý kiến bạn đọc