(VnMedia) - Tiếp thu ý kiến của nhân dân, nhưng Ban Soạn thảo Dự án Luật đất đai sửa đổi vẫn giữ quy định Nhà nước thu hồi chứ không trưng mua đất đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…
>>Không thu hồi đất để phát triển kinh tế
>>Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
>>7 nội dung đổi mới quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ảnh minh hoạ: Thanh niên |
Sáng 24/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, về quy định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Ban soạn thảo Luật đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng chuyển các trường hợp như dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội, dự án sử dụng vốn ODA sang trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Đặc biệt, vừa qua dư luận đã có rất nhiều ý kiến góp ý đề nghị bỏ quy định về việc thu hồi đất đối các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng. Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định rõ trường hợp nào thì Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào thì các nhà đầu tư được thoả thuận với người sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, ông Hiển cho biết, tiếp thú ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo đề nghị chỉnh lý vào Dự thảo Luật theo hướng áp dụng cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội nhưng phải được Quốc hội quyết định.
“Dự thảo Luật quy định theo hướng không thực hiện cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo phù hợp với chế định về sở hữu đất đai, giúp cho Nhà nước chủ động tạo quỹ đất để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, chủ động điều tiết địa tô và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư” - ông Hiển nói.
Đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội không thuộc diện thu hồi đất nhưng đã có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt thì cho phép chủ đầu tư được nhận quyền nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất để thực hiện dự án.
Cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu và bổ sung quy định về trưng dụng đất trong trường hợp khẩn cấp của chiến tranh, thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác. Việc trưng dụng đất sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Khắc phục tình trạng tuỳ tiện cưỡng chế
Một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là việc cưỡng chế thu hồi đất. Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Luật sẽ sửa đổi trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thống nhất.
Dự thảo cũng tiếp thu và bổ sung quy định khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện thì người có đất bị thu hồi được bồi thường theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Dự thảo Luật đề nghị giữ nguyên quy định khi Nhà nước thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền theo giá của loại đất bị thu hồi, không bồi thường theo giá đất của loại đất sau khi chuyển mục đích vì quy định này đã được áp dụng ổn định từ Luật đất đai năm 1993 đến nay; đồng thời, giá trị đất tăng thêm sau khi thu hồi đất là do Nhà nước quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng nên phần giá trị tăng thêm này phải thuộc về Nhà nước và do Nhà nước điều tiết.
Ban soạn thảo cũng đề nghị giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật về việc Nhà nước không can thiệp đối với trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với người sử dụng đất về việc nhận chuyển quyền sử dụng đất để có đất thực hiện dự án đầu tư.
Làm rõ quyền và trách nhiệm của Nhà nước
Liên quan đến quy định sở hữu đất đai, thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Dự thảo Luật sẽ được điều chỉnh theo hướng làm rõ hơn quyền đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước thông qua các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tài chính đất đai và giá đất.
Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng Nhà nước sẽ công khai các thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.
Giải trình về việc giữ như quy định của dự thảo Luật về quyền của đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý của Nhà nước đối với đất đai, Ban soạn thảo cho rằng lý do là vì vai trò đại diện chủ sở hữu và quản lý đối với đất đai của Nhà nước là có sự thống nhất và đan xen, nếu quy định tách biệt một cách tuyệt đối sẽ dẫn đến trùng lắp về nội dung. Mặt khác, so với quy định của Luật đất đai hiện hành thì dự thảo Luật đã cố gắng quy định cụ thể hơn về quyền của Nhà nước đối với đất đai và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai.
Về vai trò của người dân đối với công tác quản lý, sử dụng đất, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hình thức tham gia ý kiến người dân trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền tham gia ý kiến của người dân trong xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; việc giám sát của người dân đối với công tác quản lý, sử dụng đất. Với các quy định như vậy, dự thảo Luật lần này đã đảm bảo quyền tham gia của người dân trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, cơ quan soạn thảo Dự án Luật và cơ quan thẩm tra của Quốc hội mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 13 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây.
Ý kiến bạn đọc