Tranh luận quanh việc sống chung mà không kết hôn

13:26, 16/04/2013
|

(VnMedia) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, hiện vẫn có 2 luồng ý kiến về việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân giữa những người có quan hệ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn...

>> Người đồng tính "phập phồng" chờ cơ hội kết hôn
 
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định việc chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng. Vì vậy, khi hai người yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý nhưng tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng. Với các trường hợp này, nếu có yêu cầu về con và tài sản thì sẽ được giải quyết theo quy định liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật.
 
Ngoài ra, để hướng dẫn các quy định trên của Luật, nhiều văn bản dưới luật được ban hành để tạo cơ sở pháp lý để cho các bên thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm quyền, nghĩa vụ của mình.
 
Tuy nhiên, tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cho thấy, pháp luật hiện hành còn chưa bao quát hết được các trường hợp chung sống như vợ chồng trên thực tế. Luật mới chỉ đề cập đến việc nam, nữ chung sống như vợ chồng, còn việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính hoặc của người chuyển giới thì chưa được quy định.
 
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật mới chỉ quan tâm đến việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân, mà chưa có các quy định cần thiết để điều chỉnh các vấn đề nhân thân và tài sản phát sinh từ sự chung sống đó. Các văn bản dưới Luật quy định về vấn đề này chủ yếu chỉ điều chỉnh các quan hệ chung sống phát sinh trước ngày 1/1/2001, trong khi đó, trên thực tế đã và đang tồn tại rất nhiều, thậm chí ngày càng gia tăng các trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn…


 Ảnh minh họa

Hai người đã chung sống như vợ chồng, có con chung, không vi phạm các điều cấm của pháp luật thì dù không có đăng ký kết hôn nhưng cuộc hôn nhân đó cũng được luật pháp công nhận là hôn nhân thực tế - ảnh minh hoạ


Công nhận hay không công nhận?
 
Tuy nhìn rõ những bất cập trong việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người có quan hệ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, nhưng tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 của Bộ Tư pháp cho thấy, vẫn còn hai luồng ý kiến xung quanh quy định nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn.
 
Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật cho biết, một luồng ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về việc không thừa nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Những ý kiến theo quan điểm này đề nghị pháp luật cần quy định cụ thể về đường lối giải quyết đối với tình trạng nhân thân, con, tài sản, giao dịch giữa các bên chung sống như vợ chồng và giữa họ với người thứ ba theo nguyên tắc: tuyên bố không thừa nhận hôn nhân của đương sự nhưng quyền và nghĩa vụ đối với con thì giải quyết như ly hôn. Về tài sản nếu không có thỏa thuận thì áp dụng theo quy định về sở hữu chung theo phần trong Bộ luật dân sự.
 
Luồng ý kiến này nhận được sự đồng thuận của các cơ quan như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 33 Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Bình, Điện Biên, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Yên Bái, Đăk Nông, Kiên Giang, Bắc Ninh, An Giang, Bắc Giang, Hòa Bình.
 
Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai đề nghị, trong một số trường hợp cần cân nhắc thừa nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực, hai người đã chung sống như vợ chồng, có con chung, không vi phạm các điều cấm của pháp luật thì dù không có đăng ký kết hôn nhưng cuộc hôn nhân đó cũng được luật pháp công nhận là hôn nhân thực tế.
 
Theo phân tích của những cơ quan, tổ chức đồng tình với luồng ý kiến này, việc Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành không tiếp tục thừa nhận quan hệ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn đã dẫn đến rất nhiều hệ quả tiêu cực cho gia đình và cho xã hội. Nhiều trường hợp người phụ nữ và trẻ em bị phụ bạc, ngược đãi và bỏ rơi một cách vô trách nhiệm sau thời gian tự nguyện sống thử, sống chung…
 
Vì vậy, các ý kiến đề nghị trong Luật nên quy định một số trường hợp chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn được công nhận và việc giải quyết các quyền về nhân thân, tài sản, quyền giữa cha mẹ và con giữa các bên có chung sống như vợ chồng.
 
Luồng ý kiến thứ 2 này được tổng hợp từ Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Gia Lai, Khánh Hòa …
 
Với hai luồng ý kiến trên, Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đưa ra 2 phương án định hướng để các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức tiếp tục thảo luận.
 
Theo đó, phương án thứ nhất là không thừa nhận hôn nhân giữa những người có quan hệ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Đồng thời, quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ chung sống (áp dụng chung cho cả quan hệ chung sống giữa những người khác giới và giữa những người cùng giới tính) theo hướng, đối với quyền và nghĩa vụ đối với con chung được áp dụng theo quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình.
 
Đối với quyền và nghĩa vụ về tài sản, cho phép các bên lập thỏa thuận về quan hệ tài sản. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giao dịch, thỏa thuận đó phải tuân thủ hình thức theo luật định. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vô hiệu (vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch hoặc việc chung sống vi phạm các điều kiện về nội dung trong kết hôn, như tuổi kết hôn, có quan hệ họ hàng...) thì quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa các bên được xác định theo các quy định về sở hữu trong Bộ luật dân sự.
 
Phương án thứ hai được đưa ra thảo luận là thừa nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn nhưng được gia đình, cộng đồng công nhận vì đây là một thực tế, mặt khác, việc thừa nhận hôn nhân này bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
 
Hôm nay (16/4), tại Hội nghị, các đại biểu tiếp tục thảo luận về những ý kiến còn khác nhau nói trên.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc