Theo PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH, TT VÀ DL PHÚ THỌ PHẠM BÁ KHIÊM, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan được nhân dân tỉnh Phú Thọ gìn giữ, phát huy từ bao đời và đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013 là dịp quan trọng để giới thiệu, quảng bá giá trị hai di sản văn hóa thế giới này đến nhân dân trong nước và bè bạn quốc tế.
- Phú Thọ tự hào khi trong hai năm liên tiếp, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan lần lượt được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xin ông cho biết, việc bảo tồn các di sản này được thực hiện như thế nào?
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có rất nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, gồm 260 lễ hội đang được khai thác, 1.372 di tích lịch sử, trong đó có 326 di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung, hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng, không phải đến khi được UNESCO công nhận mới đặt ra, mà nhân dân trong tỉnh đã gìn giữ, phát huy từ bao đời và trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp. Theo truyền thuyết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ thế kỷ III (TCN), khi vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, dựng cột đá thề, thề rằng đời đời hương khói cho họ Hùng. Tức là hơn 2.000 năm nay chúng ta đã bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đến nay, khi được UNESCO công nhận, càng tạo thêm động lực tinh thần để nhân dân Phú Thọ và cả nước tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ của riêng Phú Thọ mà của cả nước (với 1.417 di tích thờ cúng). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bảo tồn trong lòng mỗi người dân Việt Nam, với niềm tự hào là con Lạc, cháu Hồng.
- Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp quan trọng để giới thiệu, quảng bá giá trị hai di sản văn hóa thế giới đến nhân dân trong nước và bè bạn quốc tế, thưa ông?
- Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong 7 ngày (từ 4 - 10.3 ÂL), tăng một ngày so với những năm trước. Nét mới trong phần hội năm nay là việc tổ chức chương trình Hát xoan làng cổ tại miếu Lãi Lèn và đình Thét, xã Kim Đức. Ngoài Liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ, việc tổ chức chương trình Hát xoan làng cổ nhằm giúp nhân dân và khách thập phương hiểu thêm những nét đặc trưng của loại hình dân ca phục vụ nghi lễ, tín ngưỡng qua các phần: hát thờ; trình diễn 14 quả cách; hát hội với nội dung khẩn nguyện phúc thái an khang, chúc tụng, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh sinh hoạt của con người và hát giao duyên. Đây cũng là nghệ thuật diễn xướng gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cùng với đó, ngay trong Lễ tôn vinh, đón bằng công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sự tham dự của các vị khách quốc tế cũng là điều kiện tốt để chúng ta quảng bá di sản ra thế giới.
- Thời gian qua, dư luận lo ngại việc sân khấu hóa hát xoan có thể làm biến dạng di sản. Thực tế, Phú Thọ đã bảo tồn nguyên gốc di sản hát xoan như thế nào?
- Trong dự án bảo tồn hát xoan, chúng tôi chú trọng bảo tồn di sản văn hóa tại nơi di tích gốc. Gốc của hát xoan hiện nay tập trung ở 4 phường xoan thuộc TP Việt Trì là: Phù Đức, Kim Đơi, Thét (xã Kim Đức) và An Thái (xã Phượng Lâu). Hát xoan gốc có ba chặng hát: nghi lễ, quả cách và hát hội. Chặng nghi lễ gắn với không gian thiêng là cửa đình, đền, miếu. Chúng tôi vẫn giữ gìn hát xoan làng cổ, ở đó có các nghệ nhân dân gian, hát những làn điệu cổ. Ngay cả diễn viên trẻ cũng được đào tạo, trình diễn các làn điệu cổ ngay tại đình làng. Riêng trên sân khấu chúng tôi lại đưa phần hát xoan hội. Xoan hội từ xa xưa đã được các cụ đưa đi hát giao lưu tại các cửa đình, sân khấu, lễ hội…, thậm chí còn ghép cả các phường xoan lại để cùng biểu diễn. Do vậy, quan điểm cho rằng chèo hóa hát xoan là không đúng. Hát xoan trên sân khấu là đã đưa hát xoan rời khỏi không gian thiêng nên phải có bổ sung bằng âm nhạc, ánh sáng, trang phục, vũ điệu… Nếu cứ đóng cửa trong các làng xoan cổ, hát xoan sẽ không được quảng bá, giới thiệu rộng rãi.
- Việc giáo dục và truyền dạy cho thế hệ trẻ về giá trị của hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì sao, thưa ông?
- Ngành văn hóa, ngành giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Phú Thọ đã có các chương trình phối hợp. Như chương trình Trường học thân thiện, học sinh tích cực, các trường tự tìm hiểu và đăng ký chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử trên địa bàn. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa, các liên hoan, hội diễn… để khuyến khích đưa hát xoan vào trường học, đặc biệt qua chương trình sân khấu học đường. Hàng năm, chúng tôi tổ chức liên hoan hát xoan, dân ca Phú Thọ cho cả đối tượng người lớn và học sinh. Đến nay, hầu hết nhân dân Phú Thọ đều hiểu được giá trị di sản và tự nguyện bảo tồn di sản của mình, xác định rõ mình là chủ nhân của di sản.
Với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vì nó gắn với một không gian thiêng cụ thể, chúng ta chỉ có thể giáo dục cho học sinh nhận thức được về truyền thống uống nước nhớ nguồn, người có tổ tông. Hiểu biết về lịch sử, về nguồn gốc của dân tộc, các em sẽ thêm tự hào với truyền thống ấy.
- Xin cám ơn ông!
- Phú Thọ thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan như thế nào?
- Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ VH, TT và DL xây dựng chương trình hành động quốc gia, trước hết là để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, sau là thực hiện cam kết với quốc tế. Trong quá trình xây dựng dự án bảo tồn hát xoan, chúng tôi đã kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc; tiến hành điều tra, khảo sát toàn bộ các nghệ nhân, diễn viên đủ sức khỏe, nhớ được bài và có thể truyền dạy. Chúng tôi đã xây dựng và thực hiện quy chế phong tặng nghệ nhân dân gian. Phú Thọ là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành được quy chế riêng cho việc này. Việc xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian sẽ thực hiện 2 năm một lần. Vừa qua, chúng tôi đã phong tặng đợt 1 cho 34 nghệ nhân, ngoài vinh danh, mỗi nghệ nhân được tặng thưởng 5 triệu đồng. Vấn đề trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cũng đang được xây dựng thành quy chế để thực hiện thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc