Chủ tịch nước thông báo quyết định của Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) vào ngày 15.11.2010. Lần đầu tiên, Việt Nam tham gia đàm phán một Hiệp định thương mại tự do đa phương với tốc độ đàm phán nhanh, quy mô sâu rộng, mức độ cam kết cao và phức tạp.
Tại một hội thảo do Bộ Công thương tổ chức mới đây về TPP, Gs Peter A.Petri, Đại học Brandies, Mỹ nói rằng Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều nhất từ TPP so với các nước khác đang tham gia đàm phán. Đã thực hiện một số nghiên cứu, vị giáo sư này đưa ra những con số: lợi ích tiềm năng là đến 2025, thu nhập hàng năm Việt Nam có được từ TPP với 11 nước tham gia hiện nay là 26,2 tỷ USD, đóng góp 7,7% cho GDP năm 2025. Con số này khá ấn tượng nếu so với những lợi ích mà Mỹ có được từ TPP cũng ở năm 2025: 23,9 tỷ USD, đóng góp 1% vào GDP. Ngoài ra, thông qua TPP, Việt Nam sẽ có quan hệ chặt chẽ với chuỗi sản xuất toàn cầu.
Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, TPP không chỉ điều chỉnh các lĩnh vực thương mại và dịch vụ mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực phi thương mại khác như sở hữu trí tuệ, môi trường và lao động. Vì vậy, sức ép của TPP đối với nền kinh tế, và các doanh nghiệp nước ta là rất lớn. Ví dụ, một mặt hàng của Việt Nam được tiếp cận thị trường các nước với thuế suất bằng 0%, nhưng cơ hội gia tăng xuất khẩu với giá cạnh tranh sẽ bị vô hiệu bằng những rào cản khác dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, hay các vụ kiện phòng vệ thương mại với quy chế kinh tế phi thị trường… Ngoài ra, những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được những lợi thế cạnh tranh từ việc giảm thuế trong TPP.
Thêm vào đó, việc phải cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ đối tác TPP sẽ làm giảm thu ngân sách và khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam gia tăng với giá cạnh tranh hơn. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng với nhóm hàng nông sản, sẽ gây tổn thương cho những đối tượng như nông dân… Những tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động của đối tác cũng sẽ tạo gánh nặng cho nhà nước trong việc gia nhập công ước liên quan, sửa đổi quy định pháp luật nội địa, xây dựng cơ chế, thủ tục ban hành, thực thi mới…
Mọi hiệp định về hội nhập quốc tế đều có cơ hội và thách thức. Trong mọi cuộc chơi, phần thắng bao giờ cũng chỉ đến với những người có năng lực vượt qua thách thức của cạnh tranh, nắm bắt cơ hội để vượt lên chính mình và vượt lên hoặc cùng các đối thủ cạnh tranh khác chia sẻ thành công trên thương trường. TPP cũng tương tự như vậy. Nếu không chuẩn bị tốt các điều kiện, sẵn sàng gia nhập TPP mà đã ký hiệp định này thì sẽ mất nhiều hơn được. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Singapore vừa kết thúc ngày 19.4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, hiện các bộ, ngành nước ta đang tích cực tham gia các phiên đàm phán và quan điểm của Chính phủ là quyết tâm giải quyết các vấn đề để Việt Nam tham gia vào Hiệp định này. “Chúng tôi đang hối thúc các bộ, ngành, các địa phương phải chuẩn bị những phương án sẵn sàng và chỉ tham gia khi có đủ điều kiện”, ông nói.
Ý kiến bạn đọc