Nhiệt độ trung bình của Việt Nam sẽ tăng 2-3 độ C

19:14, 18/04/2013
|

(VnMedia) - Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cập nhật mới nhất vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hôm qua (17/4), đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình trên hầu hết lãnh thổ Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3 độ C.

 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kịch bản được xây dựng trên cơ sở dự báo lượng phát thải nhà kính ở mức trung bình. Còn nếu phát thải cao, nhiệt độ sẽ còn tăng cao hơn.

 

Theo PGS. Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Kịch bản BĐKH phát thải trung bình cập nhật mới nhất cho thấy, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình tăng 2-3 độ C. Riêng khu vực từ Hả Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Theo đó, nhiệt độ thấp nhất tăng trung bình từ 2,2 đến 3 độ C và nhiệt độ cao nhất trung bình tăng từ 2,0 đến 3,2 độ C.

 

Cũng theo kịch bản này thì số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C sẽ tăng thêm từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước.


 Ảnh minh họa
 

Trong khi đó, về lượng mưa, dự báo đến cuối thế kỷ 21, theo kịch bản phát thải trung bình, lượng mưa sẽ tăng trên hầu hết lãnh thổ, phổ biến từ 2-7%, trong khi tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ thì tăng ít hơn, dưới 3%.

 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại mà kịch bản đưa ra, đó là theo xu thế chung, lượng mưa giảm vào mùa khô và nhưng lại tăng nhiều trong mùa mưa. Như vậy cũng có nghĩa là sẽ vừa gia tăng lũ lụt, vừa gia tăng hạn hán.

 

Trong khi đó, theo kịch bản phát thải thấp, vào cuối thế kỉ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng từ 49-64cm. Theo kịch bản phát thải trung bình, mực nước biển dâng từ 57-73cm. Còn theo kịch bản phát thải cao thì mực nước biển sẽ dâng từ 78-95cm, riêng khu vực Cà Mau đến Kiên Giang có thể lên tối đa 105cm.

 Ảnh minh họa
 

PGS Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, so với kịch bản năm 2009, kịch bản mới tuy không thay đổi về trị số bình quân, nhưng đối với từng khu vực thì kết quả dao động lớn hơn. Đặc biệt, kịch bản năm 2009 chỉ xác định diện tích có nguy cơ bị ngập tại Đồng bằng Sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, còn kịch bản mới xác định diện tích nguy cơ ngập cho tất cả các khu vực ven biển với mức độ chi tiết đến cấp huyện.

 

Cũng tại buổi họp báo, GS Trần Thục - Viện trưởng Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, tới thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định hiện tượng mưa đá xảy ra thời gian qua có phải do biến đổi khí hậu gây ra hay không . “Trên thế giới và cả Việt Nam cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy, mưa đá trong thời gian vừa qua tăng lên do BĐKH. Tuy nhiên, theo tôi, khi nhiệt độ gia tăng sẽ khiến sự mất ổn định của hơi nước trong khí quyển tăng lên, các hiện tượng tự nhiên bị đảo lộn kéo theo gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó không loại trừ mưa đá” - ông Thục nhận định.

 

Theo khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sử dụng kịch bản trong đánh giá tác động và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương với các tiêu chí như tính đặc thù của ngành, lĩnh vực, địa phương; tính hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường, tính bền vững; tính khả thi và khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển.

 

“Vì đây là kịch bản xây dựng cho đến cuối thế kỷ, nên khi áp dụng cần căn cứ theo quy mô, mức độ và tuổi thọ của mỗi công trình. Đối với những công trình mang tính tạm thời (ví dụ các khu resot chỉ tồn tại khoảng vài chục năm) thì nên dựa vào kịch bản phát thải thấp hoặc kịch bản phát thải trung, còn với những công trình trọng điểm như cảng biển, nhà máy điện hạt nhân cần áp dụng phương án an toàn tối đa thì nên dựa vào kịch bản phát thải cao.


Theo kịch bản, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.

 

 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc