(VnMedia) - Hôm nay (10/3 âm lịch), trong khi hàng nghìn người đổ về Đền Hùng dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thì rất nhiều gia đình ở Hà Nội cũng dâng bánh dầy, bánh chưng thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng...
Năm nào cũng vậy, cứ vào sáng ngày 10/3, chị Kim Anh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) lại đi chợ để mua đồ cúng về làm Giỗ Tổ Hùng Vương. Đồ lễ của chị gồm hoa quả, giò... hoặc xôi, gà... nhưng nhất thiết không thể thiếu 2 thứ quan trọng của ngày giỗ đặc biệt này, đó là bánh chưng và bánh dầy.
“Đầu năm đi lễ tôi đã lên Đền Hùng thắp hương. Hôm nay là ngày chính giỗ, tôi mua bánh chưng, bánh dầy và những đồ lễ khác để cúng ngay tại gia đình. Quan trọng là cái tâm của mình, không cứ phải lên tận Đền Hùng. Vả lại, ngày này đi lên đó rất đông...” - chị Kim Anh chia sẻ.
![]() |
Chị Kim Anh chọn mua bánh dầy, bánh chưng về thắp hương Giỗ Tổ |
![]() |
![]() |
Rất nhiều người khác cũng chọn bánh chưng, bánh dầy cho ngày lễ trọng của dân tộc |
Làm giỗ các Vua Hùng bằng “cái tâm” là điều mà hầu hết những người làm Giỗ Tổ tại gia chia sẻ. Bà Tâm (nhà 34T - khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính) cho biết, ngày Giỗ Tổ đối với gia đình bà luôn là ngày đặc biệt. “Năm nào, ngày này cũng là ngày cả gia đình tôi đoàn tụ để làm Giỗ Tổ Hùng Vương. Các con tôi đã lấy chồng, lấy vợ và ở riêng. Tuy nhiên, đến ngày Giỗ Tổ, chúng đều đưa con cái về. Trong lúc mấy mẹ con tôi nấu nướng, ông nhà tôi ngồi kể cho các cháu nghe về lịch sử đất nước, về công lao của các Vua Hùng và nét đẹp truyền thống của ngày Giỗ Tổ. Bọn trẻ luôn thích thú lắng nghe...” - bà Tâm chia sẻ.
Cũng như mọi năm, sáng 10/3 (âm lịch) năm nay, tại các chợ rất đông người mua bánh dầy, bánh chưng. Dù chỉ làm cỗ chay với hoa quả hay làm cỗ mặn với đầy đủ xôi, gà và các món xào nấu thì theo phong tục, trên bàn thờ nhà ai vào ngày này cũng có bánh dầy, bánh chưng. Điều này khiến cho không khí dường như có phần thiêng liêng hơn.
![]() |
![]() |
Những chiếc bánh dầy được làm to hơn ngày thường để phục vụ cho ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 |
Ông Mong năm nay đã gần 80 tuổi, là một cán bộ về hưu đã lâu vừa ghé vào hàng bánh dầy, bánh chưng vừa phân bua: “Chết thật, tôi ở một mình, không đi làm nên cũng chẳng để ý đến ngày tháng. Sáng nay ra chợ mới giật mình nhớ ra là ngày Giỗ Tổ. Mình là người Việt, mình phải làm cái ngày giỗ này để nhớ đến công ơn của “các cụ” chứ. Không nhớ đến cội nguồn tổ tiên là có tội”.
Trong khi đó, ngay cả nhiều người buôn bán ở chợ cũng tranh thủ bán hàng lúc sớm rồi nhanh chóng trở về để thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, tưởng nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước của các vị Vua Hùng.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của dân tộc, đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của mỗi người Việt từ ngàn đời nay. Nhớ ngày Giỗ Tổ, không có nghĩa là phải tìm mọi cách đến được Đền Hùng. Bằng cái tâm, mỗi người con dân đất Việt, dù ở ngay giữa Thủ Đô hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều hướng về cội nguồn theo cách riêng của mình, của gia đình mình. Truyền thống dân tộc nhờ đó được lưu truyền, trường tồn mãi mãi.
Ý kiến bạn đọc