Người đồng tính "phập phồng" chờ cơ hội kết hôn

07:02, 16/04/2013
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây, vấn đề hôn nhân đồng tính đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là với những người có xu hướng quan hệ tình dục đồng giới. Vậy, khi Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, liệu có cơ hội nào cho họ?


Hôn nhân đồng tính: Cấm hay hay không?


Vấn đề kết hôn của những người đồng tính và việc thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Trong thời gian qua, nhiều người đồng tính đã ở tình trạng bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình. Trong khi đó pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Bộ Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan. Kết quả cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính đã và đang là vấn đề còn có rất nhiều ý kiến khác nhau.

 

Theo đó, luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, quyền con người của LGBT (những người đồng tính, song tính và chuyển giới) nói chung, người đồng tính nói riêng phải được nhà nước, xã hội và gia đình tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Do đó, cần nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị đối với nhóm yếu thế này.

Cũng có ý kiến cho rằng, quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được bãi bỏ. Tuy nhiên, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam chưa kịp thích ứng với những thay đổi này. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người đồng tính và đến xã hội, Luật cần bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái (nếu có) từ việc chung sống giữa những người này;

 

Một số ý kiến lại đề nghị, Luật cần chấp nhận hôn nhân đồng tính vì đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế, cũng như bảo đảm quyền con người cơ bản của họ. Việc cấm kết hôn có thể tiếp tục dẫn tới sự kỳ thị, người đồng tính dễ tìm tới những quyết định tiêu cực cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội.

 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, đây cũng là một trong những vấn đề xã hội nhạy cảm, liên quan đến quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

 

Trong khi đó, một số ý kiến khác đề nghị cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện về loại quan hệ này và cần có đánh giá về mặt tác động xã hội, sau đó cân nhắc, xin ý kiến các cơ quan chức năng có liên quan về việc nên hay không nên đưa vấn đề này điều chỉnh trong Luật Hôn nhân và Gia đình.


 Ảnh minh họa

 Liệu có cơ hội nào cho những người đồng tính khi Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi?


Không cấm, không cho, không can thiệp

 

Theo Bộ Tư pháp, dựa trên các ý kiến thu thập được, Ban soạn thảo cũng đưa ra 3 phương án để tiếp tục thảo luận. Phương án thứ nhất là không quy định theo hướng cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính nhưng cũng không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.

Nếu theo phương án này, Luật sẽ quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng giống như giải pháp quy định về việc chung sống như vợ chồng giữa những người khác giới.

 

Theo Bộ Tư pháp,căn cứ của việc việc đưa ra phương án này, theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, quan hệ vợ chồng phải thể hiện quan hệ tình cảm giữa hai người nam và nữ (khác giới tính) có mục đích xây dựng gia đình, sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Do đó, rất khó chấp nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới tính.

 

Mặt khác, truyền thống lập pháp về hôn nhân và gia đình từ trước đến nay ở Việt Nam đều coi kết hôn là sự liên kết giữa hai người khác giới nhằm xây dựng gia đình.


Một điều nữa để Ban soạn thảo đưa ra quan điểm này, đó là vấn đề hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm nên phải có sự nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc, cân nhắc mọi khía cạnh, hậu quả phát sinh và đặc biệt phải có lộ trình, bước đi phù hợp. “Phương án này bước đầu thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với những quan hệ của người đồng giới. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, hướng đi phù hợp của pháp luật Việt Nam là không cấm và không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống của những người cùng giới tính, đồng thời có quy định về việc giải quyết về hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống này” – Bộ Tư pháp nêu rõ.

 

Lập luận cũng dẫn chứng, qua nghiên cứu pháp luật nước ngoài cho thấy, tuyệt đại đa số các nước chưa thừa nhận hôn nhân của hai người đồng giới. Hiện nay, chỉ có hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cho phép kết hôn giữa hai người cùng giới tính, trong khi đó, riêng ở Châu Á, chưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng giới.

 

Tuy phân tích sâu, đưa rõ quan điểm, lập luận của phương án nói trên nhưng Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng để mở 2 phương án khác để tiếp tục thảo luận, đó là thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính hoặc giữ nguyên như quy định hiện hành.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc