Lương tối thiểu bao giờ đủ sống?

07:24, 29/04/2013
|

(VnMedia) - Từ ngày 1/5 tới đây, Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực và theo đó, sẽ có sự thay đổi của hàng loạt chính sách liên quan đến người lao động như chế độ nghỉ hưu, thai sản, lương tối thiểu... Những thay đổi lần này sẽ có tác động như thế nào đối với người lao động là điều mà Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời tối 28/4.


 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

 

Thưa Bộ trưởng, những chính sách về tiền lương, thai sản hay chế độ nghỉ hưu đều là những chính sách liên quan đến quyền lợi sát sườn của người lao động. Những thay đổi lần này liệu có đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân hay không?

 

- Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này có một số nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều chính sách đã đáp ứng được một phần quyền lợi mà người lao động mong muốn cũng như chia sẻ được một phần khó khăn đối với người sử dụng lao động.

 

Cụ thể, đối với người lao động hưởng chế độ thai sản thì trước đây chỉ được nghỉ 4 tháng, nay sẽ được nghỉ 6 tháng. Thứ hai là việc nghỉ lễ Tết. Theo Luật hiện hành thì người lao động chỉ được nghỉ 9 ngày, còn theo Luật mới sẽ được nghỉ thêm một ngày nữa là 10 ngày.

Về tuổi nghỉ hưu, khoản 3, Điều 187 giao cho Chính phủ quy định một số trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu so với quy định của Luật. Đó là những người quản lý, những người có trình độ cao và một số trường hợp đặc biệt, đáp ứng được phần nào việc sử dụng chất xám của những người có trình độ, giải quyết một phần sự bình đẳng giới và tạo điều kiện cho trẻ em tiếp tục có cơ hội được phát triển.

 

- Bộ Luật Lao động lần này có sửa đổi những quy định về mức lương tối thiểu, nhưng có vẻ vẫn chưa đáp ứng được đời sống tối thiểu của người làm công ăn lương. Xin hỏi Bộ trưởng, liệu có một cơ chế điều chỉnh lương nào sát với thực tế của người lao động hay không?

 

Hiện nay, theo báo cáo số liệu thống kê thì mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu và đây là một điều hết sức khó khăn cho người lao động. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động nghiên cứu lộ trình tăng lương để đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Tuy nhiên, phương án này khó thực hiện khi điều kiện kinh tế đang phát triển khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp cũng đã rất khó khăn với mức trả lương tối thiểu như hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng cần có một lộ trình. Với tinh thần tích cực, phấn đấu chậm nhất đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tói thiểu. Tuy nhiên, lộ trình này cũng phải chịu một chi phối nữa, đó là khả năng phát triển kinh tế của đất nước, nếu vẫn khó khăn thì mục tiêu này không phải dễ mà thực hiện được.

 

Xử lý nợ đọng bảo hiểm bằng hình sự

 

Trong thời gian qua, việc nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp là vấn đề đặc biệt dược dư luận quan tâm. Có những trường hợp đã chuyển công tác sang một đơn vị mới nhưng do đơn vị cũ nợ bảo hiểm nên đơn vị mới không đóng bảo hiểm cho họ nữa. Đây là một sự bất công gây bức xúc cho người lao động. Vậy việc giải quyết những bất công này sẽ được thực hiện như thế nào thưa Bộ trưởng?

 

- Vấn đề này chúng tôi rất quan tâm vì đây là quyền lợi của người lao động. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam , tính đến 31/12/2012, nợ đọng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 4.274 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do mức phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội chỉ 9-10%, thường thấp hơn lãi suất vay ngân hàng cùng kỳ đã dẫn tới có doanh nghiệp có khả năng đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng vẫn tận dụng nguồn này để đưa vào sản xuất kinh doanh, chịu phạt khi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn trong kinh doanh nên khó thực hiện được ngay việc đóng bảo hiểm cho người lao động theo luật. Thứ ba, có doanh nghiệp đã thu tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng cố tình không đóng vì lợi ích riêng của mình.

 

Hướng xử lý các trường họp này sẽ phải rõ ràng. Đối với những đơn vị quá khó khăn thì tạo điều kiện cho họ chậm đóng bảo hiểm. Những doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội do sử dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội vào mục đích khác thì cần phải nâng mức phạt cao hơn. Còn đối với các doanh nghiệp đã thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động mà chưa đóng thì phải phạt nghiêm.

 

Tới đây, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sẽ trình Quốc hội vào cuối năm nay), chúng tôi đề nghị đối với những doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì phải đưa vào một tội trong luật hình sự.

 

Ngoài ra, đối với trường hợp doanh nghiệp không chốt sổ cho người lao động khi họ chuyển đi nơi khác thì nơi tiếp tục nhận vẫn phải tiếp tục đóng bảo hiểm cho người lao động, còn doanh nghiệp cũ cũng sẽ phải thanh toán.

 

Thưa Bộ trưởng, trong số trên 4.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội thì số nợ trên 6 tháng đã chiếm đến một nửa. Vậy, sẽ phải xử lý thế nào để đảm bảo độ an toàn của quỹ bảo hiểm trong thời gian tới.

 

- Để giảm thiểu nợ động bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về trách nhiệm của doanh nghiệp. Về phía người lao động, cần nhận biết được quyền lợi của mình và đòi hỏi thường xuyên. Cùng với đó, ngành lao động và công đoàn cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Cuối cùng là việc xử lý phải được thực hiện nghiêm.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc