Luật sẽ bổ sung nhiều trường hợp cấm kết hôn?

08:28, 18/04/2013
|

(VnMedia) - Viện Khoa học Kiểm sát (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) vừa đề nghị quy định thêm hàng loạt trường hợp nên cấm đăng ký kết hôn, trong đó có trường hợp người đang mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật...


 Ảnh minh họa

 Người đang bị bệnh truyền nhiễm có thể không được đăng ký kết hôn - ảnh minh họa

 

Trong bản góp ý gửi đến Bộ Tư Pháp về việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, Viện Khoa học Kiểm sát, cho biết, qua 12 năm thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 cho thấy, một số trường hợp cấm kết hôn được quy định tại Điều 10 còn chưa phù hợp với thực tế, đạo đức xã hội, chưa bảo đảm quyền con người.

 

Đơn vị này đề xuất trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi không sử dụng cụm từ “người mất năng lực hành vi dân sự” vì theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2005 thì một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có đủ 3 điều kiện: người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; quyết định của Tòa án phải dựa trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan đăng ký hộ tịch không thể có căn cứ để xác định người yêu cầu kết hôn có rơi vào trường hợp bị cấm nói trên hay không.

 

Vì vậy, Viện Khoa học Kiểm sát đề nghị quy định nên cấm các trường hợp “người đang bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; người đang mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật”.

 

Để bảo đảm thực hiện quy định này, Viện Khoa học Kiểm sát cho rằng cần bổ sung quy định khi đăng ký kết hôn các bên phải có chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc người đó không đang bị mắc các bệnh nêu trên. Đồng thời, cần có ngay văn bản hướng dẫn về các bệnh mà nếu đang mắc phải thì không được phép kết hôn.

 

Trong khi đó, ý kiến của Viện Khoa học Xét xử (Tòa án nhân dân tối cao) đề nghị, để hạn chế tình trạng nhiều người thực tế đã rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự nhưng chưa bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự nên vẫn được cho đăng ký kết hôn, dẫn đến những hậu quả xấu cho xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình cần quy định chi tiết hơn về trường hợp này theo hướng: trong trường hợp có dấu hiệu bị mất năng lực hành vi dân sự thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét trước khi cho đăng ký kết hôn. (Theo quy định của Điều 22 Bộ luật dân sự 2005, thì một người chỉ bị mất năng lực hành vi dân sự phải do Tòa án tuyên bố - PV)

 

Sau khi tổng hợp, tham khảo ý kiến của các cơ quan, Bộ, ngành, Bộ Tư pháp cũng cho rằng,quy định cấm kết hôn đối với người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi sẽ dễ dàng thực hiện hơn là quy định hiện hành (cấm người mất năng lực hành vi dân sự). Theo đó, cán bộ hộ tịch, chỉ cần căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài, nếu thấy có nghi ngờ người kết hôn là không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, sẽ yêu cầu người kết hôn phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe.

 

Liên quan đến vấn đề giấy chứng nhận sức khỏe khi đăng ký kết hôn, Bộ Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, không đòi hỏi người kết hôn phải cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Tuy nhiên, có một số Bộ, ngành, địa phương cho rằng quy định việc kiểm tra sức khỏe và có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi kết hôn là điều kiện bắt buộc khi đăng ký kết hôn.

 

Ý kiến của Bộ Tư pháp nghiên về phương án 1, bởi theo phân tích của Ban soạn thảo, Pháp luật về hôn nhân và gia đình của chúng ta từ trước đến nay đều không đặt ra yêu cầu người kết hôn phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe. Trên thực tế, việc đòi hỏi giấy chứng nhận sức khỏe sẽ gây phiền hà, tốn kém cho người dân khi họ đi đăng ký kết hôn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa mà việc đi lại đến cơ sở y tế có thẩm quyền rất khó khăn. Trong xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay, lại càng không thể đặt ra yêu cầu về giấy chứng nhận sức khỏe.

 

Thêm nhiều trường hợp không cùng dòng máu cũng bị cấm

 

Ngoài các trường hợp có dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời, tại Khoản 4 Điều 10 của Luật hiện hành quy định các trường hợp cấm kết hôn là: giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Để phù hợp với đạo đức xã hội, Viện Khoa học Kiểm sát đề nghị khi xây dựng, sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình cần mở rộng diện những người bị cấm kết hôn như: giữa con nuôi với người cùng dòng máu về trực hệ với cha, mẹ nuôi; giữa con dâu với cha, ông của bố chồng; giữa con rể với mẹ, bà của mẹ vợ; giữa con riêng của vợ với cha, ông của bố dượng; giữa con riêng của chồng với mẹ, bà của mẹ kế.

 

Về vấn đề này, ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, để có thể thực hiện nghiêm quy định cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình đòi hỏi các quy định pháp luật có liên quan phải đầy đủ và chặt chẽ hơn khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, nhất là quy định pháp luật về Hộ tịch.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc