(VnMedia) - Mặc dù đã xử lý được 47 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng trên địa bàn quận Đống Đa - quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội vẫn còn tới 28 ngôi nhà “dị kỳ” khác nằm trên các tuyến đường chính.
>>Hà Nội “bất lực” trước nhà siêu mỏng, siêu méo?!
Theo báo cáo của UBND quận Đống Đa tại cuộc họp của đơn vị này với các cơ quan báo chí mới đây, tính đến hết quý I/2013, đơn vị này đã chỉ đạo UBND các phường tập trung xử lý 47 nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến dự án mở rộng thuộc địa bàn quận.
Hiện trên địa bàn quận còn 28 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo chưa xử lý đươc. Tuy nhiên, UBND quận đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phường, các phòng, ban có liên quan tiếp tục giải quyết.
Kế hoạch “trảm” nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn Hà Nội được bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2012 và dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay đã qua thời hạn chót gần 1 năm nhưng việc xử lý những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo trên địa bàn một số các quận rất chậm.
Một ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Trường Chinh (Hà Nội). |
Thống kê, hiện Hà Nội vẫn còn 208 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo chưa được giải quyết. Trong đó, địa bàn quận Ba Đình hiện còn 69 trường hợp nằm ngoài chỉ giới mở đường tồn tại từ trước ngày 15/3/2005 (trước khi có Luật xây dựng). Tiếp theo là quận Hà Đông với 34 trường và tiếp sau là quận Đống Đa cũng còn tồn 28 trường hợp.
Quận Hai Bà Trưng còn 19 trường hợp, bao gồm 11 trường hợp đang thỏa thuận hợp khối nhưng cũng là những hộ đã sinh sống và kinh doanh từ lâu nên việc thỏa thuận sẽ không đơn giản. Quận Tây Hồ hiện cũng còn 23 trường hợp, đều là các công trình cấp 4 đã được lên phương án thu hồi nhưng việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn nên đang được đề xuất là không thu hồi nữa mà chuyển sang hình thức cải tạo chỉnh trang thành những ki ốt 1 tầng.
Các quận còn lại: Cầu Giấy có 9 trường hợp; Thanh Xuân có 9 trường hợp; Hoàng Mai 10 trường hợp; Hoài Đức 7 trường hợp (trong đó có 4 trường hợp đã lên phương án hợp thửa, hợp khối nhưng hiện nay các hộ vẫn chưa có sự thống nhất)… Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo này thường là nằm chềnh ềnh trước mặt phố vẫn như đang thách thức nỗ lực của chính quyền Hà Nội.
Mới cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn
Cũng theo UBND quận Đống Đa, trong quý I, đơn vị này cũng đã tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đã đình chỉ thi công 10 công trình, 5 công trình vi phạm tự dỡ bỏ, 1 công trình cưỡng chế dỡ bỏ. Tỷ lệ công trình có phép trên tổng số công trình đủ điều kiện đã được cấp phép trong quý I đạt trên 92,9%.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm nay, quận Đống Đa đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật hồ Ba Mẫu; triển khai thực hiện dự án cải tạo và chỉnh trang vỉa hè nằm phía tây hồ Đống Đa.
UBND quận cũng đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với UBND các phường trong công tác xác nhận nguồn gốc đất của các dự án thoát nước sông Lừ; dự án thoát nước giai đoạn II, nút hầm Kim Liên, nút giao thông sân vận động Hoàng Cầu, nút giao Cầu Giấy. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo lập và duyệt 477 phương án đền bù cho dự án vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu với tổng giá trị 743,5 tỷ đồng...
"Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự đô thị tại một số tuyến phố còn gặp khó khăn bất cập. Một số phường còn thiếu chủ động trong việc kiểm tra, rà soát, xử lý giải quyết các trường hợp xây dựng nhà trái phép, các trường hợp lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở tại một số phường chậm, thậm chí đến hết quý I có nhiều phường còn chưa được trường hợp nào", đại diện lãnh đạo UBND quận Đống Đa thừa nhận.
Ý kiến bạn đọc