(VnMedia) - Cách đây 40 năm, những chiến sĩ cách mạng bì địch bắt tù đày ở nhà tù Phú Quốc đã trở về trong tư thế hiên ngang của người chiến thắng. Nhưng để có được này trở về trong vinh quang đó, họ đã phải trải qua những ngày tháng đấu tranh cực kỳ kiên trung, bất khuất...
Đòn thù không làm nhụt ý chí kiên định của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ỏ Phú Quốc |
Kiên định vì một ngày trở về
Theo lời kể của bác Nguyễn Văn Chiến, trưởng ban liên lạc Trại giam tù binh Phú Quốc, những ngày tháng bị giam giữ trong nhà tù Phú Quốc là những ngày các bác luôn đấu tranh quyết liệt để không làm những việc phương hại đến kháng chiến, để bảo vệ nhân cách và phẩm chất cách mạng.
“Chỗ dựa của người tù chúng tôi trước hết là sự kiên định không sợ hy sinh, đau đớn, sẵn sàng một mất, một còn, sau là lý lẽ, có chính nghĩa, có đường lối đúng đắn, có thắng lợi trên chiến trường, trên bàn ngoại giao, có tù giặc lái Mỹ ở miền Bắc, có quy ước quốc tế về tù binh” – bác Chiến chia sẻ.
Ở trong tù, bị tra tấn cả về tinh thần và thể xác, nhưng các chiến sĩ cách mạng luôn đấu tranh không ngừng nghỉ. Dù chỉ đấu tranh chống lại việc địch gọi mình là “tù phiến cộng”, nhiều người tù đã phải đổ máu, hi sinh. Nhờ kiên trì bền bỉ, đến cuối năm 1969, địch phải chấp nhận những người kháng chiến bị tù là tù chiến tranh (POW), đổi tên trại giam là “Trại giam tù binh cộng sản Việt
Các chiến sĩ cũng đấu tranh chống chào cờ địch, chào sĩ quan địch, quét dọn nhà sĩ quan, địch, đọc nội quy trại giam, hô khẩu hiệu phản cách mạng, cưỡng ép chiêu hồi; Chống làm hàng rào, đào công sự, đập đá làm đường, đổ bê tông nền nhà phục vụ mục đích quân sự...
Một trong những khó khăn của các chiến sĩ tù Phú Quốc là việc địch cài bọn chiêu hồi thăm dò tổ chức lãnh đạo, các sinh hoạt chính trị và kế hoạch chuẩn bị vượt ngục của tù. Sau Tết Mậu Thân 1968, địch đàn áp tù khốc liệt, áp đặt bọn chiêu hồi tay sai làm trưởng phòng giam, đại diện. Bọn này có quyền đánh tù, không cho tù tụm năm, tụm ba đi từ phòng này sang phòng khác, gây ra không khí rất căng thẳng.
Trước tình thế này, phân khu A Biên Hòa nhất loạt chống lại, một cuộc xung đột ác chiến giữa bọn chiêu hồi được quân cảnh hỗ trợ, lính gác nổ súng thị uy với những người tù thương tật chống trả, gào thét đả đảo, cà mèn đập vào vách tôn, quật trả, đánh đuổi chúng.
“Máu đã đổ, một người tù tử vong và nhiều người tù khác bị thương, bọn địch cũng phải bị đòn đau, máu chảy, tháo chạy. Địch phải chấp nhận không để bọn chiêu hồi vào các phòng giam” – bác Chiến tự hào kể lại.
Không đưa được bọn chiêu hồi làm trưởng phòng, đại diện, bọn địch âm mưu cài những người tù nhân làm chỉ điểm cho chúng. Thường chúng viện cớ gọi người tù ra đánh đập ép làm chỉ điểm, có trường hợp người tù không chịu được đòn đã nhận làm cho chúng, chúng dùng “khổ nhục kế” đưa về khu giam. Nhiều kế hoạch đấu tranh, vượt ngục bị bọn này chỉ điểm. Các chiến sĩ bị tù đày đã phải làm mọi cách để phát hiện dấu hiệu của kẻ phản bội rồi tiêu diệt vì sự an toàn của khu giam, sau đó cử người nhận trách nhiệm để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo đảm an ninh cho tập thể tù.
Ở tù sướng lắm hả?
Mong muốn lớn nhất của những người tù là được trở về với người thân. Tuy nhiên, có lúc họ đã phải đấu tranh để... chống lại việc được phóng thích.
“Chúng tôi đã phải đấu tranh chống cưỡng bức phóng thích, cưỡng bức chiêu hồi. Từ khi địch chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị, chúng bày trò phóng thích về Bắc Việt những tù binh là bộ đội miền Bắc. Bọn địch đã nhằm đối tượng người tù là dân quân, du kích, cán bộ vùng giải phóng miền
Những người chiến sĩ đấu tranh kiên định trong nhà tù Phú Quốc đã trở về trong tư thế hiên ngang của người chiến thắng |
Để không “bị thả”, những người tù viện lý lẽ rằng, họ là quân đội giải phóng, chiến đấu dưới lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, chống Mỹ xâm lược, họ chỉ có thể chấp nhận trao trả về chính phủ cách mạng và quân giải phóng miền Nam.
“Địch khá bất ngờ về việc tù chống phóng thích. Bọn quân cảnh giám thị hỏi anh em mình: Bộ ở tù sướng lắm hả? chấp nhận phóng thích trở về với gia đình không chịu mà lại chịu bị đánh đập để tiếp tục ở tù là sao?” – bác Chiến kể lại.
Dụ dỗ không được, địch dùng thủ đoạn cưỡng bức. Khi chuyển khu giam thương binh nặng ra Phú Quốc, chúng giữ lại số thương tật nặng hơn cả, phần lớn là thương binh bất động, xé lẻ về các phòng, hàng ngày gọi ra để bọn sĩ quan an ninh chính trị lừa phỉnh, dụ dỗ phóng thích. Không xong, chúng đánh đập đến ngất lịm. Tuy nhiên, mấy tháng liền, không một ai chịu ký giấy phóng thích. Chúng đành chịu thua, chuyển tất cả những người đó ra khu giam thương binh nặng Phú Quốc. Họ đã được đón tiếp như những người chiến thắng.
Vượt ngục – nỗi khiếp sợ của bọn cai tù
Vượt ngục là ước mơ của tù và là nỗi khiếp sợ của bọn coi tù. Theo lời bác Chiến, ở trại giam Phú Quốc có một hệ thống phòng tù vượt ngục rất kiên cố, với hệ thống hàng rào, hệ thống đèn chiếu sáng, chòi canh, lính gác, xe Jeep, chó tuần tra... sẵn sàng nã súng bắn chết tù vượt ngục không cần lệnh chỉ huy.
“Dù hi vọng sống sót trở về rất mong manh, nhưng chớp được cơ hội là những người tù chúng tôi vượt ngục. Một phong trào đào hầm qua lớp rào ra khỏi khu trại giam để vượt ngục tập thể làm cho địch điên đầu đối phó. Các cuộc cướp súng đánh nhau với quân cảnh áp tải tù đi lấy củi, lao dịch để chạy trốn... khiến địch không dám đưa tù ra khỏi trại. Ngay giữa rừng mà địch phải cấp dầu thay củi. Các cuộc vượt ngục cá nhân ly kỳ đã khiến bọn chúng phải thầm cảm phục. Đã có nhiều người tù hy sinh, bị tra tấn đến chết vì vượt ngục không thành...” – bác Chiến nhớ lại.
Trở về trong tư thế người chiến thắng
Qua nhiều kênh thông tin, nắm được tình hình chiến sự, diễn biến trên bàn đàm phán tại Pari, những người tù biết được Hiệp định đã chính thức được ký kết và hai bên chuẩn bị trao trả nhân viên quân sự và dân sự. Quan sát thấy địch gọi tù đi lao dịch khuân vác vào kho rất nhiều túi đựng quần âu phục, áo sơ mi, khăn mặt, kem, bàn chải đánh răng... anh em mình đoán là để phát cho tù trước khi trao trả. Và thế là, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở trại giam Phú Quốc đã sớm chuẩn bị cho mình một ngày trở về một cách chủ động.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cựu tù Phú Quốc |
Ở trại giam tù binh Biên Hòa, tù binh yêu cầu Bộ chỉ huy trại giam cho gặp đại diện của quân giải phóng, nếu không, người tù dù chết cũng sẽ không đi đâu hết. “Do thái độ cương quyết không nhân nhượng của ta, địch chấp nhận để phái đoàn quân sự bốn bên gặp đoàn đại diện của tù bình. Trong cuộc gặp phái đoàn, đại diện của tù binh đề ra yêu sách khi trao trả: Tù binh sẽ không nhận bất cứ trang cấp mới nào, trong tù ăn mặc thế nào, khi trao trả vẫn ăn mặc như vậy; Xe chở tù binh đi trao trả không cắm cờ, không có biểu ngữ của Việt Nam cộng hòa, nếu không, tù binh sẽ từ chối lên xe; Tù binh được đem theo cờ, biểu ngữ trong hành lý của mình khi đi trao trả...
Cuối cùng, chỉ huy trưởng trại giam đã phải miễn cưỡng chấp nhận tất cả yêu sách của đại diện tù binh.
“Chúng tôi đến điểm trao trả, hiên ngang tư thế người chiến thắng. Cờ, khẩu hiệu giương cao trong sự chào đón mừng rỡ, thân thương của các anh, các chị bên mình” – bác Chiến bồi hồi xúc động nhớ lại ngày trở về trong vòng tay yêu thương, chào đón của đồng bào, đồng chí.
Sau 40 năm, đến nay, các chiến sĩ tù Phú Quốc đã từng chiến đấu ở các quân binh chủng vẫn còn vẹn nguyên khí tiết kiên trung bất khuất năm xưa. Cuộc đấu tranh giữ vững khí tiết, phẩm chất của các chiến sĩ trại giam tù binh Phú Quốc đã góp phần viết nên bản anh hùng ca của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nói:
“Những người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại Phú Quốc năm xưa đã gắn bó với Đảng, với công cuộc cách mạng, đã không tiếc gì xương máu dù bị tù đày, tra tấn vẫn không sợ hy sinh… và ngày nay, sẽ tiếp tục chiến đấu với một thế trận mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cố gắng đoàn kết, phấn đấu cùng với cấp ủy Đảng của mình, cùng với đồng chí đồng bào của mình phát huy tối đa, đồng cam cộng khổ, cùng nhau chiến đấu vượt qua tất cả để giành chiến thắng...”
Ý kiến bạn đọc