Hà Nội lấy ý kiến về đề án xe đạp

06:46, 25/04/2013
|

(VnMedia) - Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Sở Công Thương lấy ý kiến của các Sở, ngành có liên quan về tính cần thiết của Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp...


 Ảnh minh họa

 Việc có quá nhiều xe đạp đi lẫn vào xe máy có thể làm mất an toàn giao thông

 

Liên quan đến Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa yêu cầu Sở Công Thương lấy ý kiến của các Sở, ngành có liên quan về tính cần thiết của Đề án, nội dung Đề án, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

 

Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, Sở Công thương Hà Nội đã trình UBND Thành phố đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường.

 

Theo đó, Sở Công Thương kiến nghị thành phố hỗ trợ vay 900 triệu từ Quỹ xúc tiến thương mại để khảo sát thực trạng sản xuất xe đạp của các doanh nghiệp, phân tích lợi ích của việc sử dụng; tổ chức triển lãm nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng; đề xuất các giải pháp phát triển trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa.

 

Theo lãnh đạo Sở Công thương, ôtô, xe máy tăng nhanh trong đô thị đang đe dọa nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, gây khó khăn cho việc quy hoạch phát triển giao thông, môi trường đô thị ngày một ô nhiễm. Do vậy, đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

 

Về đề xuất này, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng đây là đề án “viển vông”. Trao đổi trên báo Tiền Phong, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, việc sử dụng xe đạp vì môi trường thì rất đáng được ủng hộ, nhưng để giả tắc đường thì không thể. “Ngay từ thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra tắc đường vì xe đạp. Dân số thành phố lúc đó chỉ hơn 2 triệu người” - ông Long dẫn chứng. Đặc biệt, ông Long e ngại rằng, nếu trên đường có quá nhiều xe đạp đi lẫn với xe máy thì nguy cơ mất an toàn giao thông càng tăng cao hơn.

 

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ (Đại học GTVT) cho rằng, với những người cần di chuyển nhiều, nhà ở xa chỗ làm thì xe đạp chưa thực sự thuận tiện. Hơn nữa, diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy.

 

Ngược lại, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng lại khẳng định, Đề án Sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường" mà Sở Công Thương Hà Nội đề xuất hoàn toàn khả thi nếu giới hạn trong những chuyến đi có cự ly ngắn.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc