(VnMedia) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là hàng chục nghìn học sinh lớp 9 của Hà Nội sẽ bước vào một trong những kỳ thi quan trọng nhất, đó là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là giai đoạn nước rút, được cho là căng thẳng hơn cả kỳ thi vào Đại học....
Con: Căng thẳng học thêm
Những ai không có đủ tiềm lực kinh tế để cho con học trường tư mà lại thích cho con chơi nhiều, học ít, đặc biệt là không muốn "nhồi" cho con học thêm thì sẽ phải suy nghĩ lại khi con họ chuẩn bị bước vào kỳ thi đặc biệt quan trọng, kỳ thi vào lớp 10. Với điểm số đầu vào của các trường top trên là khoảng 54 điểm, tiếp theo là khoảng 50 và tầm tầm cũng khoảng 48 điểm thì chuyện không đi hoc thêm mà đỗ là một điều không tưởng.
Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, việc phải cắm đầu vào học thêm để mong đỗ được vào một trường công nào đó của Hà Nội đang trở nên quá mệt mỏi.
Tuấn Khanh, học sinh lớp 9 của một trường ở quận Ba Đình cho biết, mục tiêu của em là thi được vào lớp chuyên toán của một trong những trường chuyên Thành phố. Vì vậy, những giáo viên có tiếng đều được gia đình em tìm đến. Là một học sinh của lớp chọn toán, ngoài việc mỗi tuần 2 buổi học thêm ở trường, Khanh còn theo 3 ca tối ở trung tâm luyện toán tại phố Thái Thịnh (bao gồm 1 ca hình, 1 ca đại và 1 ca số), 2 buổi khác tại nhà riêng một giáo viên của trường Armsterdam.
Điều khiến Khanh rất mệt mỏi là mỗi ca học như vậy bao giờ cũng kèm theo một lô một lốc bài tập về nhà. Mặc dù là một học sinh giỏi và thích học môn toán nhưng nhiều khi Khanh cũng cảm thấy oải vì em không còn bất cứ một chút thời gian nào dành cho những sinh hoạt khác mà em vốn yêu thích như xem tivi, tập võ, chơi cờ vua, đọc sách... Thậm chí, đã 2 tháng nay em không được về nhà bà ngoại chơi, dù nhà bà chỉ cách nhà em... 3km.
Nhưng đó mới chỉ là môn toán. Để thi vào lớp 10 thì một môn học cũng hết sức “khoai”, đó là môn văn. Mỗi tuần, Khanh phải học thêm ở nhà cô giáo 2 buổi văn, và đương nhiên, kèm theo đó là những bài văn mẫu dài lê thê mà em phải học thuộc lòng nhằm đối phó với kỳ thi sắp tới.
Chưa hết. Để đáp ứng cho kỳ thi, Tuấn Khanh còn phải mỗi tuần 2 buổi đi học tiếng Anh ở một lớp luyện thi và một buổi tại Trung tâm có giáo viên bản ngữ. Với tất cả những lịch học dày đặc và đống bài tập về nhà đồ sộ, không hôm nào Khanh được đi ngủ trước 11 giờ đêm.
Tuấn Khanh chỉ là một trong số khoảng 80.000 học sinh của Hà Nội thi vào lớp 10 năm nay. Chuyện học thêm không chỉ căng thẳng với những học sinh muốn đua vào các trường chuyên như Khanh, mà để kiếm được một suất vào trường công lập bình thường cũng là điều không dễ dàng gì. Với số lượng các trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở thì cuộc đua vào lớp 10 trường công lập năm nào cũng hết sức nóng.
Đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, việc phải cắm đầu vào học thêm để mong đỗ được vào lớp 10 một trường công nào đó của Hà Nội đang trở nên quá mệt mỏi - ảnh minh họa: ANTĐ |
Phụ huynh: Bơ phờ vì đưa đón
Trong khi các cô cậu học trò cảm thấy hết sức đau khổ vì phải dốc sức học ngày học đêm thì các bậc phụ huynh cũng méo mặt với việc đưa đón con đi học thêm.
Chị Khánh Chi, nhà ở cạnh khu Công viên nước Hồ Tây, nhưng đã cầu kỳ cho con gái học ở trường THPT Giảng Võ. Hàng ngày, chị phải dậy sớm đưa con đến trường, trưa lại đón con về nhà ăn uống, sau đó quay trở lại trường học thêm. Khoàng 3 hoặc 4 giờ tùy theo từng ngày, chị Chi đến trường đón con hôm thì lên học văn ở lớp cô Thủy tận Mỹ Đình, hôm lại đưa xuống tận Lò Đúc để học toán. Ngoài ra, tuần 2 buổi tối, chồng chị Chi lãnh nhiệm vụ đưa cô con gái đến học toán ở trung tâm trên phố Thái Thịnh. Cũng gần một năm nay, chị Chi không dám đi đâu cuối tuần, chỉ vì cả thứ 7 và Chủ nhật, chị phải đưa đón con đi học tiếng Anh ở phố Đội Cấn.
Nếu ai đi qua khu vực trường tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa) vào lúc 21 giờ tối hàng ngày thì sẽ thấy, những bậc phụ huynh ở Hà Nội có con đang trong giai đoạn ôn thi vào lớp 10 như chị Chi không hề ít.
Tốn công, tốn sức, tốn tiền nhưng vẫn... rủi ro
Con căng thẳng học thêm, bố mẹ phờ phạc vì đưa đón, nhưng một điểm cũng cực kỳ gây căng thẳng trong tình hình kinh tế khó khăn này, đó là tiền học thêm. Tính trung bình, mỗi một ca học toán tại nhà cô giáo là 250.000 đồng; học văn khoảng 200.000, học tiếng Anh ở Trung tâm 200.000, học toán tại trung tâm 900.000/tháng..., cộng với tiền học thêm đại trà các môn ở trường, thì số tiền học thêm phải đóng hàng tháng trong giai đoạn này là rất lớn.
Tuy nhiên, với tất cả những nỗ lực của cả con và bố mẹ, chuyện thi vào được lớp 10 một trường công lập ở Hà Nội vẫn không có gì là chắc chắn, và càng không chắc chắn hơn với việc đỗ được vào một trường chuyên.
Đã có trường hợp một học sinh lớp chuyên toán của một trường có tiếng của Hà Nội, thi đoạt giải học sinh giỏi quận nhưng đến khi thi vào cấp 3 không chỉ trượt trường chuyên, mà còn không vào nổi một trường công nào. Nguyên nhân trượt là vì em này rất tự tin, đăng ký cả 2 nguyện vọng đều là trường top đầu của Thành phố, nhưng điểm văn lại hơi thấp do lệch “tủ”. Cuối cùng, gia đình phải xin cho em vào học 1 năm ở một trường ngoại thành của Thành phố, đến lớp 11 mới xin chuyển trở lại một trường trong nội thành.
Chính vì những lý do trên, ngoài việc hối thúc con cái ôn luyện ngày đêm thì việc quyết định chọn trường gì cho con cũng là cả một vấn đề khiến các bậc phụ huynh đau đầu.
Bài 2: Hoang mang khi chọn nguyện vọng lớp 10 cho con
Ý kiến bạn đọc