Chương trình Phần thưởng cho công lý

14:02, 11/04/2013
|

Ra đời từ năm 1984, song phải tới khi Nhà Trắng phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu sau các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ cách đây 12 năm, chương trình “Phần thưởng cho công lý” (Rewards for Justice) mới thực sự được thế giới biết đến và nhanh chóng trở thành một công cụ hiệu quả, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch truy nã phần tử Hồi giáo cực đoan.

Dù ẩn náu ở đâu, từ các khu vực núi non hiểm trở và hẻo lánh, nằm ngoài vòng kiểm soát của chính phủ tại khu vực biên giới Pakistan – Afghanistan, tới vùng rừng nhiệt đới ở Philippines và các sa mạc rộng lớn tại Iraq, chỉ cần đối tượng đó có tên trong diện truy nã của chương trình “Phần thưởng cho công lý” – sẽ nhanh chóng bị phát giác và hậu quả là cái chết hoặc bị đặc nhiệm Mỹ bắt giữ. Là tác phẩm của Vụ An ninh ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, từ năm 1984 tới nay, chương trình đã chi tới 125 triệu  USD trả thưởng cho 80 người cung cấp thông tin để bắt giữ những kẻ khủng bố. Quy trình được thực hiện như sau: ảnh chân dung của kẻ bị truy nã được in trên các tờ rơi, bao diêm và các cây bút cùng những thông tin bằng tiếng bản địa đề nghị cung cấp thông tin, đường dây nóng và các khoản tiền thưởng. Đó là cách truyền thống mà chương trình “Phần thưởng cho công lý” áp dụng lâu nay. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các biện pháp hiện đại khác cũng được đưa vào chương trình như phổ biến hình ảnh đối tượng bị truy nã trên các trang xã hội được ưa chuộng như Twitter và Facebook, trên các website và tin nhắn cảnh báo tới các thuê bao di động.

Kurt Rice, quyền Trợ lý Giám đốc An ninh ngoại giao Mỹ, cho biết ý tưởng triển khai chương trình “Phần thưởng cho công lý” của Bộ Ngoại giao Mỹ xuất phát từ các vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Kuwait và các lợi ích của Mỹ ở Beirut (Lebanon). Theo quan chức này, chương trình khá đơn giản và được thực hiện theo mô hình khép kín: thông tin trên tờ rơi – tiếp nhận thông tin phản hồi – bắt giữ/tiêu diệt đối tượng bị truy nã – trả tiền thưởng và đảm bảo an ninh cho người cung cấp tin. Ở khâu cuối của quy trình này, những người cung cấp tin có thể được thay đổi danh tính, có một nhân thân mới và được chuyển đến sống ở một nơi mới – bất kỳ đâu trên thế giới. Số tiền thưởng sẽ tùy thuộc vào mức độ quan trọng của thông tin liên quan tới đối tượng bị truy nã và sẽ do một ủy ban hỗn hợp gồm quan chức nhiều cơ quan an ninh liên quan đánh giá và trình lên Ngoại trưởng Mỹ. Năm 2007, một nhóm công dân Philipines đã chung khoản tiền thưởng 5 triệu USD sau khi cung cấp thông tin để bắt giữ một trong những thủ lĩnh cấp cao của tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf tại nước này, tên Khadaffy Janjalani, và sau đó nhận diện y khi y bị tiêu diệt.

Hiện thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, người kế nhiệm trùm khủng bố Osama Bin Laden, đang là đối tượng bị truy nã gắt gao nhất của chương trình với giá lên tới 25 triệu USD. Nhân vật mang quốc tịch Ai Cập từng là bác sĩ này đã chủ mưu hai vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Nairobi và Dar es Salaam. Nhân vật này hiện nằm trong số 53 đối tượng bị chính quyền Mỹ truy nã gắt gao trên phạm vi toàn cầu để đưa ra xét xử với tội danh khủng bố và được treo giải.

Không chỉ nhằm truy nã các phần tử mới thực hiện các vụ khủng bố, chương trình cũng hướng tới những đối tượng chủ mưu các vụ khủng bố trước khi chương trình ra đời, cụ thể bị tấn công một căn cứ của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Beirus hồi năm 1983. Bất chấp những mối đe dọa, những khoản tiền được tính bằng đơn vị triệu USD này trở nên thực sự hấp dẫn tới các nước nghèo. Một người cung cấp tin đã được nhận 30 USD sau khi cung cấp cho phía Mỹ thông tin để tìm tới nơi ẩn náu của Uday và Qsay Hussein, hai người con trai của cố Tổng thống Iraq bị lật đổ Saddam Hussein. Hai đối tượng này đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi tháng 7.2003 tại tỉnh miền Bắc Mosul. Tương tự, Ramzi Ahmed Yousef, kẻ chủ mưu đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới năm 1993, đã bị bắt sau khi một số người nhận diện y trên một vỏ bao diêm tại Pakistan và thông báo với Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad. Yousef, là cháu trai của Khalid Sheikh Mohammed, kẻ đã vạch kế hoạch cho vụ tấn công 11.9.2001 tại Mỹ. Y đã bị lực lượng an ninh Pakistan bắt giữ năm 1995 và dẫn độ về Mỹ, bị xét xử với mức án tù chung thân.

Từ năm 2001 đến nay, chương trình “Phần thưởng cho công lý” của Bộ Ngoại giao Mỹ chủ yếu nhằm ngăn chặn hoặc bắt giữ các đối tượng đã thực hiện khủng bố.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc