Bà Rịa - Vũng Tàu mong muốn nâng chất lượng đại biểu để đại biểu ngang tầm nhiệm vụ

07:57, 05/04/2013
|

Để HĐND thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu rất quan trọng. Song, để đại biểu phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, ngoài việc nâng cao năng lực cần bảo đảm điều kiện để đại biểu hoạt động.

Thời gian qua, với sự đóng góp tích cực của các đại biểu, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của địa phương. Nhiều đại biểu HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp hoạt động, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, quyết định đúng đắn nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương. Cử tri ngày càng tin tưởng HĐND, vì các đại biểu dân cử đã nói lên tiếng nói của người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở để HĐND ban hành các quyết sách. Đại biểu HĐND cũng phát huy vai trò tích cực trong hoạt động giám sát. Nhiều đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề, trực tiếp chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động dân cử.

Tuy nhiên, hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Nguyên nhân, do số lượng đại biểu HĐND chuyên trách chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn so với tổng số đại biểu. Phần lớn các đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động dân cử. Hơn nữa, một số đại biểu còn giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, do vậy thực thi trách nhiệm không tránh khỏi tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Đại biểu chuyên trách với số lượng ít, áp lực công việc nhiều nên thời gian dành cho nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn cũng còn hạn chế... đôi lúc các đại biểu chưa đủ khả năng và tự tin để bảo vệ quan điểm của mình khi xem xét những vấn đề được trình tại kỳ họp. Vì vậy, vẫn còn những nghị quyết HĐND được thông qua về cơ bản nhất trí với đề nghị của UBND, mặc dù có trường hợp các ban HĐND đã có ý kiến phản biện, hoặc có đại biểu đã phát hiện và nêu những vấn đề chưa phù hợp. Hậu quả của tình trạng trên dẫn đến không ít nghị quyết được ban hành, nhưng khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Đối với hoạt động giám sát, có ý kiến chỉ phản ánh hiện tượng, chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị nên kết luận giám sát thiếu sức thuyết phục.

Một số hạn chế thuộc về cơ chế, chính sách cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động đại biểu và của HĐND như: chưa quy định cụ thể đại biểu HĐND phải dành bao nhiêu thời gian trong tháng/quý cho hoạt động dân cử; không có chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét, đánh giá hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND... Quy chế giám sát của MTTQ và cử tri đối với hoạt động của đại biểu chưa được xác định đầy đủ, rõ ràng, dẫn đến tình trạng đại biểu HĐND chỉ thực hiện trách nhiệm tại các kỳ họp và TXCT định kỳ theo quy định mà ít chú trọng các hoạt động giám sát, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện nghị quyết của HĐND.

Mặt khác, một số đại biểu kiêm nhiệm, nhất là các đại biểu mới trúng cử lần đầu thiếu các kỹ năng giám sát, TXCT, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri... Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại biểu không đủ bản lĩnh, tự tin để phát biểu, chất vấn tại các kỳ họp cũng như trong các đợt TXCT.

Thực tế cho thấy, để phát huy tốt vai trò của cá nhân đại biểu, trước hết cần tập trung nâng cao chất lượng đại biểu ngay từ việc xây dựng cơ cấu hợp lý. Cụ thể: trong cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh, cần giảm đại biểu ở khu vực quản lý hành chính nhà nước; cân nhắc để vừa bảo đảm tính cơ cấu (vùng miền, dân tộc, tôn giáo, các lĩnh vực KT - XH...), vừa bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức, năng lực của đại biểu. Không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực. Người đại biểu dân cử không chỉ đại diện cho ý chí và nguyện vọng mà còn phải tiêu biểu cho trí tuệ của cử tri. Có như thế mới ngang tầm nhiệm vụ, mới đủ khả năng xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.

HĐND các cấp cần nghiên cứu, ban hành quy chế, quy định cụ thể thời gian đại biểu HĐND phải dành cho hoạt động dân cử trong từng tháng hoặc quý; xây dựng cơ chế để HĐND và cử tri giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của từng đại biểu. Hàng năm, HĐND tổ chức cho đại biểu báo cáo hoạt động của mình trước cử tri, tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nêu rõ phương hướng hoạt động để cử tri nơi bầu ra đại biểu tham gia góp ý kiến và giám sát...

Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu bằng nhiều hình thức (hội thảo, tập huấn theo chuyên đề...). Nhất là các kiến thức về quản lý nhà nước, pháp luật và các kỹ năng có tính đặc thù trong hoạt động dân cử như: kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, TXCT; các phương pháp giám sát như: giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên; thẩm tra, chất vấn, phản biện...

Mặt khác, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, để đại biểu có đủ điều kiện và thực quyền khi thực thi nhiệm vụ; quy định chế độ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện... hợp lý phục vụ đại biểu đi khảo sát, thẩm tra, xác minh, tiếp xúc, tham vấn ý kiến cộng đồng... Cung cấp thông tin cần đầy đủ, kịp thời, nhất là những tài liệu về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; việc cập nhật tình hình KT - XH của địa phương cũng cần được chú trọng, giúp đại biểu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh những yếu tố trên, bản thân các đại biểu phải thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu tài liệu, thâm nhập thực tiễn... tự hoàn thiện năng lực cá nhân để phát huy tốt hơn vai trò của một đại biểu dân cử, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc