Từ 1/7 sẽ phạt đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp?

13:59, 19/03/2013
|

(VnMedia)Từ 1/7, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng không đủ 3 lớp: vỏ, đệm xốp và quai đeo sẽ bị phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm và đội nhưng không cài quai. Theo quy định, các hành vi trên sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng.

>>Bộ trưởng Bộ Giao thông: 'Không thể phạt dân đội mũ rởm được'
 
Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị bổ sung quy định xử phạt người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp vào Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt để trình Chính phủ phê duyệt.
 
Theo đó, từ 1/7 tới đây, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng không đủ 3 lớp: vỏ, đệm xốp và quai đeo sẽ bị phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm và đội nhưng không cài quai.
 
Đề xuất trên được đưa ra tại buổi họp của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được tổ chức trung tuần đầu tháng 3 vừa qua.
 
Mới đây, trả lời phỏng vấn chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt lần này, đơn vị này sẽ bổ sung thêm việc xử phạt những người có đội mũ nhưng không đủ 3 bộ phận là: phần vỏ cứng, lớp đệm chống xung động (đây là phần quan trọng nhất bảo vệ cho chấn thương sọ não khi bị tai nạn) và bộ phận thứ ba là quai đeo.

 Ảnh minh họa

Từ 1/7 tới đây, người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp sẽ bị phạt như hành vi không đội mũ. Ảnh: Xuân Tùng


Đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải được xem như việc làm cần thiết để bảo vệ người tham gia giao thông trước vấn nạn mũ giả, nhái đang được bày bán tràn lan trên vỉa hè, lòng đường của các thành phố trên khắp cả nước.
 
Phạt người dân đội mũ không đủ 3 lớp là vô duyên!
 
Xung quanh luồng thông tin trên, trao đổi với VnMedia sáng 19/3, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, ông đồng tình với đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải.
 
Theo ông Liên, thật ra việc Bộ Giao thông đưa đề xuất phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp vào Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt là làm “mềm” quy định về việc xử phạt mũ bảo hiểm giả.

Theo ông này, hiện nay có tình trạng, các cơ quan soạn thảo văn bản cứ ban hành văn bản mà không biết người dân thực hiện thế nào cho nên ban hành xong mới thấy không thực hiện được hoặc thiếu quy định nên tìm cách bổ sung thêm hoặc làm mềm đi.
 
“Phạt mũ bảo hiểm giả thì phải phạt cơ quan quản lý nhà nước trước. Tuy nhiên, do chúng ta không có văn bản phạt cơ quan quản lý nên dẫn đền tính trạng người dân phải chịu hậu quả… là bị phạt thay”, ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.
 
Theo ông Liên, với người dân thì ai bán mũ khi có nhu cầu người ta sẽ mua vì không quan tâm đến chất lượng; còn trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm được bán ra. Tuy nhiên, do cơ quan quản lý không đảm bảo được chất lượng nên người dân mua và mới bị phạt”, ông Liên nói.
 
“3 tiêu chí mà Bộ Giao thông đưa ra chỉ là giải pháp để trung hòa việc làm “tách trách” của cơ quan quản lý nhà nước về mũ bảo hiểm”, ông Liên nhận xét.
 
Tuy nhiên, ngược hẳn với quan điểm của ông Liên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khi được hỏi cho rằng, 3 lớp như đề xuất của Bộ Giao thông chẳng có ý nghĩa gì. Chất lượng mũ không phải đủ ba lớp.
 
Theo ông Hùng, mũ giả cũng có đủ 3 lớp. Vẫn có vỏ ngoài, lớp lót bên trong và quai… nhưng đồ rởm vẫn là rởm. Cho nên việc có đủ 3 lớp hay không không chứng minh được có đủ chất lượng hay kém chất lượng. Vì thế, nói xử phạt mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp là vô duyên.

”Hiện nay chúng ta đang động viên người dân đội mũ bảo hiểm chất lượng cho nên chuyện 3 lớp không giải quyết được việc gì. Không chứng minh được chất lượng lại rắc rối. Theo tôi cái gì rắc rối thì nên bỏ đi không dễ gây rối lòng dân”, ông Hùng nói.
 
Theo ông Hùng, mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất và Bộ Khoa học Công nghệ kiểm định việc này. Còn bán ra thị trường thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường chứ không nên đưa vào Nghị định về vấn đề xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn.
 
Nếu đưa vào nghị định, lúc đó công an làm gì để xác định mũ đủ tiêu chuẩn hay không đủ tiêu chuẩn? Vì thế không nên đưa quy định trên vào trong dự thảo nghị định mà nên tăng cường xử phạt những cơ sở sản xuất không đủ tiêu chuẩn và phạt ngay đơn vị quản lý thị trường. 
 
”Người dân làm sao người ta biết được mũ nào đủ tiêu chuẩn, mũ nào không đủ tiêu chuẩn. Hay công an làm sao khẳng định được mũ này đủ tiêu chuẩn, mũ này không đủ tiêu chuẩn. Công an thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính thôi chứ không lẽ lại biến họ thành cán bộ kiểm định mũ bảo hiểm được. Và nếu cứ làm thế sẽ trở thành đôi co giữa công an và người dân”, ông Hùng nói.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc