Thủ tướng sẽ quyết định việc phạt xe không chính chủ

15:00, 25/03/2013
|

(VnMedia)Do không thống nhất được việc rút quy định xử phạt xe không chính chủ, Bộ Giao thông vận tải vừa đưa cả 2 luồng ý kiến khác nhau vào trong Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

>>Bộ Giao thông khẳng định chưa phạt xe không chính chủ
 

Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt lần thứ 3 chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Một trong những nội dung được chú ý trong Dự thảo Nghị định lần này, do không thống nhất được việc rút quy định xử phạt xe không chính chủ, Ban soạn thảo đã đưa ra 2 luồng ý kiến khác nhau vào trong Dự thảo Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
 
Theo đó, ý kiến 1 cho rằng: Cần tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định lần này để buộc chủ phương tiện phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký phương tiện. Tuy nhiên, cần mô tả lại hành vi vi phạm và điều chỉnh lại mức phạt cho phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan.
 
Ý kiến 2: Chưa quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định lần này, vì qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định 71 cho thấy tính khả thi của quy định này chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện (đăng ký lại phương tiện sau khi được mua, cho, tặng, thừa kế) còn chưa thật sự thuận lợi dẫn đến còn tồn đọng một số lượng lớn xe chưa chuyển quyền sở hữu.

Ảnh minh họa

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt người vi phạm. Ảnh: Xuân Tùng

Sở dĩ có việc đưa cả hai luồng ý kiến vào Dự thảo trình Chính phủ là do phía Bộ Giao thông vận tải muốn rút quy định phạt xe không chính chủ còn Bộ Công an thì muốn giữ quy định này.
 
Tại cuộc họp của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, người dân được tổ chức vào trung tuần vừa qua,
đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, quy định về việc xử phạt xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đã có từ 10 năm nay (từ năm 2003). Tuy nhiên, hiện nay đa số các ý kiến không đồng thuận với việc xử phạt hành vi này nên đề xuất chưa đưa hành vi xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt lần thứ 3.
 
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến của các đơn vị ngành giao thông vận tải, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, nên xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ. Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt (Bộ Công an) Trần Sơn Hà cho biết, hành vi không chuyển quyền sỡ hữu đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 34 cùng các thông tư khác của ngành công an. Quá trình thực hiện, cơ quan công an đã làm thủ tục sang tên đổi chủ cho chủ phương tiện.

“Quan điểm của người dân là như vậy nhưng chúng tôi cho rằng nên đưa quy định về xử phạt xe không chính chủ vào trong dự thảo nghị định vì điều này đã được quy định trong các luật”, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt nói.
 
Theo ông Hà, nghị định mới phải kế thừa được nghị định cũ. Hơn nữa, việc xử phạt xe không chính chủ không phải là mới. Sở dĩ việc này vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau và nhân dân không đồng tình là do Nghị định 71 nâng mức phạt quá cao.
 
“Những hành vi này chúng tôi có hướng dẫn trong quá trình thực hiện, việc mượn phương tiện không bị xử phạt. Hơn nữa, hiện nay việc mất xe liên tỉnh rất khó điều tra, đặc biệt những vụ án mạng liên quan đến xe cộ càng khó khăn hơn cho nên xử phạt xe không chính chủ cũng là biện pháp bảo vệ tài sản của người dân. Tới đây nên đưa việc xử phạt vào tài khoản của người sử dụng phương tiện. Hiện nay, việc sử dụng thẻ là rất nhiều”, ông Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt nêu ý kiến. 
 
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, việc xử phạt xe không chính chủ đã có trong luật và các nghị định 15, 34, 71. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều và tính khả thi không cao vì thế nên đưa ra khỏi nghị định lần này để Bộ Giao thông cùng các đơn vị xem xét lại các văn bản rồi bổ sung sau cho rõ ràng hơn, minh bạch hơn.
 
“Chúng ta phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân. Hiện tại trong hơn 300 ý kiến người dân gửi góp ý cho dự thảo nghị định, hầu hết các ý kiến đều không đồng thuận với việc xử phạt xe không chính chủ, do đó nếu các thành viên trong Ban soạn thảo thống nhất được thì thông qua còn không sẽ để lại trình lên Chính phủ quyết”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh. 


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc