(VnMedia) - Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ IV về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R) đã bế mạc với việc thông qua "Tuyên bố Hà Nội về 3R". Tuyên bố bao gồm 4 mục tiêu chính và 33 mục tiêu cụ thể.
3R là một công cụ tuyệt vời cho chính sách quốc gia... |
Ngày 20/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Bộ Môi trường Nhật Bản và Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc cùng hơn 200 đại biểu đến từ 31 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã cùng nhau đưa ra Tuyên bố Hà Nội về 3R sau khi kết thúc Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ IV về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R).
Ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Mội trường cho biết, khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đang đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, sự gia tăng về số lượng và chủng loại chất thải. Trong khi nhiều nước đã trở thành những nước nhập khẩu các vật liệu thô (nhiên liệu, kim loại, gỗ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác), lượng chất thải đang tăng lên đáng kể do dân số tăng nhanh, gia tăng tiêu dùng và tỷ lệ phát sinh chất thải/đầu người.
Bên cạnh chất thải đô thị, còn có những dòng chất thải đang nổi lên như chất thải điện tử, chất thải y tế, chất thải nhựa trong môi trường ven biển, chất thải xây dựng và chất thải sinh hoạt nguy hại.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều 20/3, ông Nguyễn Văn Tài cũng thông tin, bày tỏ quyết tâm tự nguyện xây dựng, triển khai và thực hiện các lựa chọn chính sách, các chương trình, dự án nhằm đạt được các mục tiêu 3R bền vững, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội sử dụng hiệu quả tài nguyên, có khả năng chống chịu cao và chuyển đổi thành nền kinh tế xanh, “Tuyên bố Hà Nội về 3R” đã được thông qua tại Diễn đàn với 4 mục tiêu lớn là: 3R cho khu đô thị/công nghiệp; 3R ở khu vực nông thôn; 3R cho các loại chất thải mới nổi và 3R cho các vấn đề xuyên suốt.
Trong số đó, mục tiêu 3R cho khu đô thị/khu công nghiệp được đặt lên hàng đầu với những vấn đề cụ thể như: Giảm thiểu đáng kể chất thải rắn đô thị phát sinh; sử dụng triệt để các loại chất thải đô thị hữu cơ, bao gồm rác thải thực phẩm; gia tăng một cách đáng kể tỷ lệ tái chế của vật liệu tái chế cũng như phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại; Xây dựng các thành phố bền vững. thúc đẩy sự cộng sinh trong công nghiệp (chất thải của ngành này được tái chế để trở thành nguyên liệu cho ngành khác) bằng cách cung cấp các sáng kiến và hỗ trợ có liên quan…
Đại diện Viện nghiên cứu Úc cho biết: "Chúng ta đã chuyển từ thế giới rỗng sang thế giới đầy vì ngày càng có nhiều chất thải, trong khi khó có thể khai thác đủ tài nguyên để phục vụ cho nhu cầu của con người". Theo vị này, 3R chính là "một công cụ tuyệt vời" cho chính sách quốc gia, chính sách công ty và cả đối với gia đình.
Nói về việc Hà Nội chưa thành công với các dự án 3R, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Yoichi Toyama cho rằng, việc nâng cao nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng. Các chính sách sẽ không thành công nếu không được người dân ủng hộ, không hiểu rõ lợi ích của 3R. Theo ông Yoichi Toyama, các Bộ, ngành của Chính phủ cần thảo luận xem đâu là chính sách phù hợp nhất với Việt Nam bởi mỗi quốc gia có một điều kiện riêng. "Chính phủ phải quyết định đâu là biện pháp phù hợp với quốc gia của mình" - Bộ trưởng Yoichi Toyama nói.
Ý kiến bạn đọc