Tất cả thông tin cá nhân trong một mã số

18:36, 27/03/2013
|

(VnMedia) - Số Chứng minh nhân dân mới (gồm dãy 12 chữ số) cũng sẽ chính là “số định danh” cá nhân của mỗi công dân. Số này sẽ bao gồm 22 thông tin ca nhân, được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

 

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đưa ra tại buổi hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư”, tổ chức chiều 26/3.

>>Mỗi công dân được cấp một "số định danh"


 Ảnh minh họa

 Dãy số 12 chữ số trong Chứng minh nhân dân mới cũng sẽ chính là số định danh cá nhân, chứa đựng 22 trường dữ liệu - ảnh minh họa

 

Không có chuyện 2 Bộ “giẫm chân nhau”

 

Như VnMedia đã đưa tin, Bộ Tư pháp hiện đang đưa Dự thảo “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư”. Mới đây, một số trang báo có đăng tải thông tin cho rằng, 2 Bộ Công an và Tư pháp đang “giẫm chân lên nhau” khi mỗi Bộ có một đề án riêng về việc cấp mã số định danh cho công dân.

 

Theo đó, “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư” do Bộ Tư pháp xây dựng có nhiều điểm trùng với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia mà Bộ Công an đang triển khai. Thậm chí, có thông tin còn cho rằng, hai Bộ đanh "giành nhau" đề án này.

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, "số định danh cá nhân" không phải là vấn đề mới mà đã được đặt ra tại một Nghị định từ năm 2010 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được Bộ Công an triển khai nghiên cứu, xây dựng Dự án khả thi. Kết hợp với nhiệm vụ sản xuất, quản lý Chứng minh nhân dân, năm 2012, Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cấp Chứng minh nhân dân theo công nghệ mới. Theo ý kiến của Bộ Công an, số Chứng minh nhân dân mới gồm 12 chữ số cũng có vai trò là số định danh cá nhân.

 

Bộ Tư pháp đánh giá, số Chứng minh nhân dân 12 số mà hiện nay Bộ Công an đang quản lý đã thể hiện được một số điểm ưu việt như: mỗi công dân chỉ có một số duy nhất, kho số có khả năng cấp cho công dân mà không trùng lặp, ổn định lâu dài, vì vậy, dự thảo Đề án mà Bộ Tư pháp đang xây dựng đã xác định, số định danh cá nhân cấp cho công dân chính là số chứng minh nhân dân mới mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân tại Công an TP Hà Nội, Công an các quận Hoàng Mai, Tây Hồ và Công an huyện Từ Liêm” - ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) nói.


Tuy nhiên, ông Phan cũng cho biết, số định danh cá nhân mới chỉ được quy định cụ thể tại Thông tư số 10/2013 của Bộ Công an nên xét về mặt giá trị pháp lý, cần quy định về số định danh cá nhân tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao, cụ thể là Luật Hộ tịch là hoàn toàn phù hợp.


"Đề án đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, không đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu mới mà đưa ra yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý theo hướng chỉ tập trung thông tin cơ bản nhất của công dân; bảo dảm tính cập nhật thông tin và khả năng kết nối, chia sẻ thông tin để các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng" - ông Phan khẳng định.


Tất cả các loại giấy tờ đều dùng chung “số định danh”

 

Theo ông Ngô Hải Phan, số định danh công dân là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực (có thể thay thế cho toàn bộ các số khác như số thẻ bảo hiểm y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, số sổ hộ khẩu…). Vì vậy, công dân chỉ cần biết duy nhất một số là số định danh và số định danh cá nhân chính là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ quản lý ngành.

 

Theo ông Phan, Dự thảo Đề án được thiết kế theo hướng tập trung ưu tiên cho việc “số hoá”, “điện tử hoá” các thông tin của công dân để phục vụ quản lý dân cư, làm nền tảng cho việc thực hiện đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến dân cư.

 

Tuy nhiên, ông Phan cũng giải thích, như vậy cũng không có nghĩa là công dân sẽ không cần bất cứ một loại giấy tờ nào khác.

 

Trong khi đó, đại diện Bộ Công an, đại tá Vũ Xuân Dung cho biết, hiện nay Bộ đã cấp được khoảng 30.000 số Chứng minh nhân dân mới. Cơ sở để tạo ra số Chứng minh nhân dân 12 đều lấy từ nơi sinh ra người đó làm gốc. “Trong 12 số có tới 6 số liên quan đến địa phương” - ông Dung cho biết.

 

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, đa số các đại biểu cho biết rất tán thành xu hướng nghiên cứu và áp dụng số định danh cá nhân trong việc cải cách thủ tục hành chính và cần bắt tay làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các ý kiến cũng băn khoăn khi thấy dù đây là đề án lớn nhưng chưa có các số liệu định lượng mà chủ yếu là định tính. “Cần phải chi phí bao nhiêu tiền cho việc đầu tư hệ thống máy tính, phần mềm và nhân lực đến tận các thôn, bản, xã… khi triển khai cấp số định danh” là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.

 

Ngoài ra, các đại biểu cũng băn khoăn về việc, nếu Bộ Công an xây dựng xong đề án thì các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức… có thể kết nối như thế nào, sử dụng cơ sở dữ liệu chung ra sao và đặc biệt là tính bảo mật thông tin cá nhân…

 

Trả lời các câu hỏi này, Ban soạn thảo cho biết, vấn đề thông tin cá nhân chắc chắn sẽ được bảo mật tối đa. Ban soạn thảo cũng khẳng định tính khả thi của đề án và cho rằng, tuy khó và phức tạp nhưng Đề án sẽ thành công nếu có sự quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân.

 

“Điều quan trọng nhất, khó khăn nhất chính là thu thập dữ liệu, đánh số. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ dữ liệu về công dân được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Công an và Tư pháp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các thông tin về cùng một công dân nhưng lại không thống nhất ở các ngành, lĩnh vực đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc