Tai nạn giao thông không phải do hạ tầng kém

20:47, 17/03/2013
|

(VnMedia) - “Hạ tầng giao thông không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn, qua các phân tích thì phần lớn các vụ tai nạn đều xảy ra ở những con đường tốt, không bị che khuất tầm nhìn”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời".

>>Chỉ phạt hành chính lái xe làm 11 người chết?

- Thưa Bộ trưởng, đầu năm 2013 đã xảy ra một loạt vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng, đặc biệt là vụ ở Khánh Hoà làm chết 11 người. Đâu là nguyên nhân của các vụ tai nạn này?.
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng: Năm 2012 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể… tai nạn giao thông đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, nhiều người đang băn khoăn liệu sự giảm tai nạn giao thông đó có bền vững không? Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng đang tìm mọi cách để đảm bảo tính bền vững này.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cuối năm 2012, các cơ quan ban, ngành đã vào cuộc bằng đợt cao điểm 3 tháng đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cũng như dịp lễ hội đầu năm nhưng đáng tiếc, tai nạn giao thông đã tăng trong những tháng đầu năm. Đặc biệt, số người chết tăng 17%; trong đó tai nạn giao thông xe khách tăng nhiều hơn, nhất là vụ tai nạn xe khách trong ngày 8/3 ở Cam Ranh (Khánh Hoà).
 
Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn này có nguyên nhân từ cơ quan quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp vận tải và bản thân lái xe. Chúng tôi đang nghiêm túc phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân dẫn đến tai nạn xe khách để tìm ra các giải pháp khắc phục.
 
Trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát; rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các quy định về vận tải hành khách. Do đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên phải xem xét lại có đủ điều kiện phù hợp chưa, có cần thiết phải tăng cường quản lý và siết chặt hơn nữa không?. Việc này chúng tôi sẽ trao đổi với các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải để đưa ra những điều kiện vận tải, quản lý chặt chẽ nhất nhưng vẫn tạo điều kiện cho doan nghiệp phát triển.

Ảnh minh họa

                     Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn
                                      chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.

 
Thứ hai, chúng tôi sẽ siết chặt quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Hiện có tình trạng các doanh nghiệp “khoán trắng” doanh thu cho các lái xe. Các lái xe góp cổ phần vào hợp tác với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì không có trách nhiệm gì với lái xe kể cả mua bảo hiểm, kể cả điều kiện về sức khoẻ. Lái xe hoàn toàn chủ động trên hành trình nên nhiều lái xe vi phạm quy định chỉ được lái không quá 10 giờ một ngày hoặc không quá 4 giờ liên tục, phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu…không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là do ham lợi nhuận dẫn đến gây tai nạn… cho nên tới đây các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao ý thức tinh thần của người thực thi công vụ cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức của người lái xe.

Cũng không loại trừ, một trong những nguyên nhân có khả năng gây tai nạn giao thông, đó là một số người thực thi công vụ đã thực hiện không nghiêm túc công việc của mình, còn có hiện tượng lơ là, bỏ qua cho lái xe, cho doanh nghiệp vận tải nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.

- Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, chính hạ tầng giao thông yếu kém, tiến độ thi công chậm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Bộ trưởng giải thích sao về điều này và có biện pháp gì khắc phục tình trạng trên?.

Hạ tầng giao thông không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, bởi vì qua các phân tích các vụ tai nạn giao thông thì phần lớn các vụ tai nạn đều xảy ra ở những con đường tốt, không bị che khuất tầm nhìn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông cũng là một điểm nghẽn cần khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình giao thông. Với các công trình đầu tư mới, chúng tôi luôn quan tâm đến chất lượng và tiến độ, đảm bảo thực hiện đúng quy định của nhà nước về tiến độ và chất lượng công trình. Rà soát lại toàn bộ các chủ thể tham gia như chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu, đơn vị thi công, đơn vị nào không đủ điều kiện phải loại ra ngay.

Đối với các dự án hiện đang khai thác, chúng tôi tăng cường các giải pháp đảm bảo, nâng cao chất lượng bảo trì, sửa chữa để các công trình, tuyến đường êm thuận. Điều đó, sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

- Theo quy định, từ 1/1/2013 sau khi thu Quỹ Bảo trì đường bộ thì một số trạm thu phí phải tạm dừng hoạt đông. Tuy nhiên, hiện rất nhiều người dân phàn nàn về việc này và cho rằng có việc phí chồng phí. Bộ trưởng giải thích sao về điều này?

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải nộp Quỹ Bảo trì đường bộ để sửa chữa hạ tầng giao thông. Nghị định 18 hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, từ 1/1/2013, tất cả các trạm thu phí của Nhà nước phải dừng hoạt động.

Hiện trong tổng số 57 trạm thu phí trên cả nước thì 19 trạm thu phí của Nhà nước đã dừng việc thu phí từ 1/1/2013. Còn với 4 trạm đã được Nhà nước đồng ý chuyển quyền sở hữu cho các nhà đầu tư tư nhân, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đang đàm phán với các nhà đầu tư, với doanh nghiệp để nhà nước mua lại các trạn thu phí này.

Tuy nhiên, việc đàm phán cần phải có thời gian và phải cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, các cơ quan chức năng đang cố gắng hoàn thành việc này trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất để 4 trạm thu phí: quốc lộ 1, trạm quốc lộ 18 (Bãi Cháy), trạm Phù Đổng, Hoàng Mai…sẽ cố gắng dừng sớm.

Còn việc phí có chồng phí không thì theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Quỹ Bảo trì đường bộ được dùng để bảo trì các công trình đường bộ được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước; còn với các công trình BOT và được xây dựng bằng các nguồn vốn khác, các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đầu tư, bảo trì, sửa chữa, chính vì vậy không có chuyện phí chồng phí.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng


Tùng Nguyễn - (ghi)

Ý kiến bạn đọc