(VnMedia) - Ngày hôm qua (8/3), một vụ tai nạn thảm khốc do 2 xe khách đâm nhau đã lấy đi sinh mạng của 11 người và khiến 50 người khác bị thương. Đây không phải là vụ tai nạn khủng khiếp đầu tiên của năm 2013...
Năm 2012 đã được Chính phủ chọn là “Năm An toàn giao thông” với nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Kết quả cũng rất ấn tượng khi tổng kết năm cho thấy, tai nạn giao thông trong năm 2012 đã giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương.
Thế nhưng, ngay những ngày đầu năm 2013 và đặc biệt là kỳ nghỉ Tết Quý Tị, con số người chết vì tai nạn giao thông liên tục tăng. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm nhiều người chết đã khiến dư luận hết sức lo lắng.
Người mẹ này đã đau đớn tột cùng vì mất đứa con trai trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày 8/3 - ảnh: Dân Trí |
Đau đớn tột cùng có lẽ là những người gặp nạn trên đường về quê ăn Tết, trong đó có những cặp vợ chồng, những cặp chị em, có khi là cả gia đình…. thiệt mạng. Cái chết nào cũng là mất mát, là để lại đau đớn cho gia đình, người thân, nhưng những cái chết trên đường về quê ăn Tết khiến cho bất cứ ai, dù là người không quen biết chỉ đọc tin qua báo chí, cũng thấy ngậm ngùi. Họ, có lẽ đa số là người nghèo, vì mưu sinh mà phải xa quê ra thành phố. Bởi nếu có tiền, chắc họ đã chọn đi tàu hỏa hay máy bay chứ không đi bằng xe khách, xe đò như vậy.
Trong số những nạn nhân, có những đứa con cần mẫn làm việc cả năm, người thì làm công nhân, có người bán vé số dạo… dành dành dụm dụm, mong có chút tiền mang về biếu bố mẹ già, gọi là tỏ lòng hiếu kính. Có đứa con đã tiêu hết những đồng cuối cùng của bố mẹ để đi học đại học, nay vừa tốt nghiệp định trở về báo ơn cha mẹ.
Hình ảnh bé gái ôm di ảnh người mẹ đã mất vì tai nạn giao thông khiến bất cứ ai cũng phải nghẹn ngào |
Trong số họ, có những người chồng trẻ phải để lại vợ con ở quê, một thân một mình nơi đất khách, ở nhà trọ tồi tàn, ăn miếng cơm đạm bạc để có chút tiền gửi về nuôi con ăn học. Cả năm, có khi cả vài năm, họ mới dám bỏ tiền mua vé ô tô về quê.
Trong số những người chết oan ức, tức tưởi đó, có cả những cặp vợ chồng trẻ, lần đầu đưa nhau về quê nhận họ hàng, hay có đôi bạn đưa nhau về giới thiệu với bố mẹ, định rằng sang xuân sẽ cùng nhau xây hạnh phúc lứa đôi.
Đau đớn hơn, có những vụ tai nạn đã khiến cả vợ chồng, con cái họ bỏ xác dọc đường, không bao giờ được trở về vui vầy cùng người thân nơi chôn nhau cắt rốn nữa.
Làm sao có thể tưởng tượng nổi nỗi đau của những bà mẹ ngong ngóng chờ con về ăn Tết, rồi bỗng dưng nhận được tin sét đánh ngang tai, rằng tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của con bà.
Làm sao có thể chia sẻ được nỗi đau của những người vợ chờ hơi ấm của chồng sau hàng năm trời biền biệt, bỗng dưng biết rằng sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nhau.
Ai có thể cam tâm nhìn vào ánh mắt trẻ thơ, mái đầu non nớt chít chồng 2 vành khăn trắng vẫn ngơ ngác chờ đợi bộ quần áo Tết, món đồ chơi rẻ tiền khi mà cả bố lẫn mẹ chúng đều đã chết vì tai nạn giao thông. Rồi đây, ông bà nội ngoại già yếu, nghèo nàn liệu có thể lo nổi cho tương lai của chúng?
Rồi đến mấy ngày nghỉ Tết. Cứ tối tối, khi cùng gia đình quây quần bên mâm cơm, người ta lại đắng lòng khi thấy phát thanh viên trên truyền hình đọc những con số về tai nạn giao thông. Những con số hãi hùng: Từ 29 đến mùng 2 Tết, cả nước có 91 người chết và và 83 người bị thương do tai nạn giao thông, trung bình khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông trong một ngày; Ngày mùng 3 Tết, 53 người chết và 63 người bị thương; ngày mùng 4 Tết, 51 người chết và 103 người bị thương; Ngày mùng 5 Tết, 40 người chết và 60 người bị thương… Tổng hợp 9 ngày nghỉ Tết, tai nạn giao thông lại cướp đi sinh mạng của 314 người.
9 ngày nghỉ Tết, khi mà người người, nhà nhà đều đang xum vầy đón Tết thì đâu đó lại vang lên tiếng kèn đám ma của những gia đình có người chết vì tai nạn giao thông. Hơn 300 người chết thì ít nhất cũng gần bằng ấy gia đình tang tóc. Gần 400 người bị thương thì gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần số người đó, đang xót xa, đang chật vật bỏ tiền của, công sức ra để giành giật lại sự sống cho họ, để chăm sóc họ, thậm chí nuôi ‘báo cô” họ cả đời.
Tưởng rằng do mải vui xuân, do rượu chè… nên những ngày Tết mới gia tăng tai nạn giao thông. Nhưng không, Tết hết rồi, xuân cũng sắp hết rồi, vậy mà những ngày gần đây, vẫn liên tiếp những vụ tai nạn giao thông xảy ra, và vụ tai nạn xe khách trong ngày 8/3, chỉ trong tích tắc đã cướp đi mạng sống của 11 người, khiến 50 người khác bị thương. Cùng ngày, một chiếc xe khách khác cũng bị lật khiến 11 người bị thương…
Năm an toàn giao thông 2012 đã qua. 2013 không chỉ tiếp tục được chọn là năm an toàn giao thông mà còn thêm “kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”. Quyết tâm thì nhiều đấy, nhưng, sẽ chẳng có gì thay đổi nếu mạng sống của hành khách vẫn được phó mặc cho những người lái xe khách uống rượu, phóng nhanh vượt ẩu mà vẫn được “qua mặt” hàng loạt trạm kiểm soát của cảnh sát giao thông;
Nếu những chiếc xe tải quá đát vẫn lao như điên trên đường, chỉ cần thỉnh thoảng đỗ lại để “làm luật”; Nếu vẫn có những đại lộ, cao tốc tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ thông xe vài hôm đã lún, nứt mà chẳng thấy ai phải ra toà; Nếu nhiều cảnh sát giao thông vẫn “bỏ qua” những thanh niên phóng nhanh vượt ẩu vả chỉ chăm chăm… phạt những chiếc xe 4 bánh…
Khi không còn những cái "nếu" ấy, đó chính là "KỶ CƯƠNG" đã được thực thi.
Ý kiến bạn đọc