Lâu nay nhiều người cho rằng, chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành của chúng ta được làm theo quy trình ngược. Thực tế, xây dựng chương trình trước hay biên soạn SGK trước?
Không phải ngẫu nhiên mà 2 cơ sở đầu tiên Đoàn giám sát của UBTVQH về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, SGK giáo dục phổ thông lựa chọn để khảo sát là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - đơn vị chủ công trong xây dựng chương trình, SGK và nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị gần như độc quyền trong xuất bản và phát hành SGK giáo dục phổ thông hiện nay. Bởi chương trình và SGK đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục phổ thông.
Chương trình phải đi trước một bước
Thông thường, chương trình phải được xây dựng trước, sau đó mới tiến hành biên soạn SGK, nhưng đại diện NXB Giáo dục cũng như một số tác giả từng tham gia viết SGK ở bậc phổ thông khẳng định, Bộ GD - ĐT chỉ có chương trình khung, các tác giả được mời viết SGK, sau đó lấy SGK để xây dựng chương trình chi tiết, dẫn đến tình trạng “sinh con rồi mới sinh cha”. “Do chương trình khung quá chung chung, không tường minh, nên người viết không biết viết gì và được viết đến đâu” - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Gs Đinh Quang Báo nhận xét.
Trong khi đó, báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo 7 bước cơ bản, còn SGK được biên soạn theo 8 bước, sau đó tổ chức thí điểm và thẩm định. Việc thí điểm chương trình, SGK được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu (1 lớp/năm học) ở mỗi cấp học và qua nhiều vòng. Quá trình thẩm định được triển khai theo 2 đợt: thẩm định để dạy học thí điểm và thẩm định để ban hành chính thức trên toàn quốc. Theo Gs Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: sau khi xây dựng chương trình của từng cấp học, bao giờ cũng viết SGK thí điểm, sau khi thí điểm SGK cũng là lúc hoàn thiện chương trình và công bố.
Mặt khác, lẽ ra chương trình phải là công cụ cho giáo viên nhưng thực tế hiện nay, phần lớn giáo viên hầu như không biết chương trình, lên lớp chỉ có SGK, tranh luận chương trình nặng - nhẹ cũng lôi SGK ra. Việc đánh giá học sinh, giáo viên cũng theo SGK. Đây là một nghịch lý trong giáo dục, được Gs Đinh Quang Báo ví như “diễn viên lên sân khấu mà không biết kịch bản”.
Theo Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi, chương trình và SGK là hai sản phẩm khác nhau, được tổ chức thực hiện tương đối độc lập, trong đó SGK có thể mang dấu ấn tác giả hoặc nhóm tác giả nhiều hơn. Không cực đoan đến mức phải xong chương trình mới được viết SGK, nhưng chương trình nhất thiết phải đi trước một pha. Phải có một chương trình dự thảo chi tiết, với chuẩn kiến thức và kỹ năng cần đạt, định hướng cho SGK. Đây cũng là mong muốn của các nhà quản lý giáo dục cũng như các tác giả viết sách, bên cạnh yêu cầu phải có một tổng chủ biên của môn học ở cả bậc giáo dục phổ thông, nhằm bảo đảm tính chỉnh thể của chương trình, SGK các cấp học, lớp học và giữa các môn học, thậm chí trong từng môn học.
Nặng tính hàn lâm, thiếu tính thực tiễn
Hầu hết ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp đều cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành nặng về kiến thức văn hóa và khoa học, nhẹ về giáo dục nhân cách, các kỹ năng sống; nặng tính hàn lâm, lý thuyết, nhẹ về thực tiễn và kỹ năng thực hành. Bản thân các tác giả từng tham gia viết SGK cũng thừa nhận, có nhiều kiến thức trong chương trình không cần thiết với bậc phổ thông hoặc không phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh Văn Như Cương cho rằng, 1/3 kiến thức môn Toán ở bậc THPT là... vô bổ đối với học sinh học xong bậc học này. Hay như việc yêu cầu học sinh lớp 7 phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư, nói về tâm trạng của một ông già... 86 tuổi trở về quê...
Khối lượng kiến thức trong SGK hiện hành được đánh giá là quá lớn, quá sức với đại bộ phận học sinh. Chạy hết chương trình trong SGK đã hết thời gian, khó có thể đề cập đến nội dung giáo dục trong từng bài học hay tăng cường thực hành kiến thức mới hoặc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Để có một chương trình phù hợp với mục tiêu đào tạo, cũng như phù hợp với năng lực, sức sáng tạo của học sinh, một số trường phải điều chỉnh, bổ sung. Như Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh tăng số tiết học môn Toán và tiếng Anh lên gấp đôi so với chương trình của Bộ GD - ĐT. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổng hợp 3 chương trình: chương trình nâng cao dành cho học sinh THPT của Bộ GD - ĐT , SGK chuyên và khung chương trình chuyên, bổ sung và biên soạn thành chương trình riêng. Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm tổ chức biên soạn thêm nội dung dạy bổ trợ nhằm rèn kỹ năng cho học sinh, xây dựng hệ thống bài tập rèn kỹ năng một số môn học từ khối 1 đến khối 5...
Sự quá tải ở bậc giáo dục phổ thông hiện nay không chỉ nằm ở chương trình, SGK mà còn do việc đánh giá kết quả giáo dục, kiểm định và thi cử quá nặng nề và hình thức. Việc dạy và học đôi khi không phải để đáp ứng mục tiêu giáo dục mà đáp ứng mục tiêu trước mắt, đó là thi cử. Tính liên thông giữa chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học còn mờ nhạt. Hình thức tổ chức phân ban kết hợp với tự chọn ở bậc THPT chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh và yêu cầu phát triển nguồn nhận lực của đất nước. Khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt nam ở 15 quận/huyện thuộc Hà Nội, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đăk Lăk và An Giang cho thấy, 72,9% học sinh xác định sẽ thi tuyển vào đại học...
Những tồn tại của chương trình, SGK hiện hành hứa hẹn sẽ được giải quyết trong Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 mà Bộ GD - ĐT đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số vấn đề cơ bản như cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông (học bao nhiêu năm), phân luồng, phân ban như thế nào, một hay nhiều bộ sách giáo khoa… đến nay vẫn chưa được công bố. Mà một khi những định hướng, mục tiêu ban đầu đó chưa xác định được, thì làm sao có thể xây dựng chương trình, SGK mới? Hơn thế, nếu QH chưa ra Nghị quyết mới về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thì Đề án cũng không thể thực hiện được. Vậy nên, Đoàn giám sát đề nghị Bộ GD - ĐT khẩn trương chuẩn bị để trình Quốc hội ra Nghị quyết mới về vấn đề này, lý tưởng nhất là ngay sau chương trình giám sát của UBTVQH về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Ý kiến bạn đọc