Hôn nhân đồng tính cần được quy định trong Hiến pháp?

09:29, 08/03/2013
|

(VnMedia)  - Ý kiến của nhóm những người đồng tính, song tính và chuyển giới cho rằng, khi soạn thảo Hiến pháp hiện hành, các nhà làm luật đã không nghĩ tới hôn nhân cùng giới...

>>
Tâm sự của người vợ đồng tính quyết định "lộ diện"
>>
Đồng tính nữ là bệnh tâm thần nguy hiểm?

Việc lấy ý kiến của người dân về Hiến pháp 1992 sửa đổi đang được thực hiện rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, thậm chí với đến từng các hộ gia đình. Đây cũng là một cơ hội để những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) nói lên nguyện vọng của họ đối với việc sửa đổi Hiến pháp.

Trước nhu cầu này, Trung tâm Thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam (ICS) đã tổ chức những buổi lấy ý kiến của những người trong nhóm LGBT và thấy rằng, vấn đề mà những người thuộc nhóm LGBT đặc biệt quan tâm, đó là các quy định về hôn nhân trong Hiến pháp.

Theo đó, hiện nay Luật Hôn nhân và Gia đình đang được sửa đổi và một trong những vấn đề được thảo luận và cân nhắc, là có nên thừa nhận hợp pháp mối quan hệ chung sống giữa hai người cùng giới. ICS cho rằng, đứng từ góc độ quyền con người, rõ ràng người đồng tính có quyền mưu cầu hạnh phúc, từ đó mà họ cũng có quyền tạo lập mối quan hệ với nhau. Cụ thể hoá của việc tạo lập mối quan hệ đó chính là kết hôn, hoặc các chế định tương tự.

Do vậy, với quy định hiện tại như dự thảo Hiến pháp, ICS băn khoăn rằng, liệu có thể giải thích nguyên tắc "một vợ một chồng" là hôn nhân giữa một nữ và một nam; hay một người chỉ được có một vợ hoặc một chồng?

“Nếu hiểu theo cách 2 thì người đồng tính nam cũng có quyền có cho mình một người chồng, cũng như người đồng tính nữ cũng có thể có một người vợ” – ICS nhận xét.

Trong khi đó, tại buổi tham vấn với phụ huynh người đồng tính, các ý kiến đều cho rằng khi soạn thảo Hiến pháp hiện hành, các nhà làm luật đã không nghĩ tới hôn nhân cùng giới nên “một vợ, một chồng” ở đây chỉ là diễn giải ra về chế độ đơn hôn (một - một) chứ không phải muốn định nghĩa hôn nhân (vợ - chồng). Vì thế, ICS đề xuất rằng, có thể thay cụm từ “một vợ, một chồng” bằng “đơn hôn” để chính xác hơn ngay từ bản chất của nó như một nguyên tắc của hôn nhân.

 Ảnh minh họa

 Người đồng tính mong muốn được công nhận chính thức trong Hiến pháp


Hiến pháp cần quy định quyền tự do với cơ thể của mình

Theo nhóm LGBT, “quyền tự do với cơ thể” khác với “quyền an toàn về thân thể”. Việc tự do với cơ thể là việc một người có quyền quyết định về tình trạng cơ thể của mình. Quyền này đặc biệt quan trọng với những người chuyển giới và người liên giới tính.

Các buổi hội thảo lấy ý kiến của nhóm LGBT cho thấy, hiện tại, những khó khăn mà họ gặp phải thường là không được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn; Bị kì thị vì thể hiện giới không phù hợp với giới tính; bị gây khó khăn về điều kiện và tài chính khi phải ra nước ngoài phẫu thuật (tiêu tốn ngoại lệ, không đảm bảo sức khỏe, làm “chui” không bảo đảm…); phẫu thuật rồi cũng không được thừa nhận và thay đổi giấy tờ. Không thể thực hiện các giao dịch dân sự hàng ngày; không được bảo vệ trong luật hình sự (hiếp dâm, nơi giam giữ…); không được bảo vệ trong luật bình đẳng giới…

Hồi tháng 2/2005, Quốc hội đã bàn về việc thừa nhận hay không quyền xác định lại giới tính. Một số nhà làm luật cho rằng chỉ nên xác định lại giới tính đối với những trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Còn những trường hợp phẫu thuật chuyển đổi giới tính do mong muốn thì chưa thừa nhận, vì lo sợ sẽ không thể quản lý được. Trong khi đó, một số ý kiến có quan điểm ngược lại, cho rằng đã là quyền nhân thân thì không giới hạn, mà nên cho phép xác định lại giới tính đối với cả hai trường hợp.

Cuối cùng, khi Bộ luật Dân sự 2005 ra đời, cùng với Nghị định 88/2008/NĐ-CP đã chỉ quy định về “xác định lại giới tính” cho người liên giới tính chứ không quy định về “chuyển giới giới tính” cho người chuyển giới.

Nhưng trên thực tế, người chuyển giới không thể chờ đợi, từ rất lâu họ đã tìm mọi cách để có thể sống đúng với giới tính mà mình mong muốn, dù đánh đổi lại là họ không được pháp luật thừa nhận, gặp đủ mọi khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

“Rất không có căn cứ khi nói rằng cho phép chuyển giới thì mọi người sẽ ồ ạt đi chuyển giới. Đó là bản chất, là khát vọng chứ không phải là việc dễ dàng đi đến quyết định hành động như vậy được. Xét cho cùng, đó là cơ thể của một người, người khác không có quyền nghĩ rằng thế nào mới là tốt cho họ rồi ngăn cản việc thực hiện quyền” – ICS khẳng định.

Do vậy, Trung tâm Thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam kiến nghị, Hiến pháp cần quy định quyền tự do với cơ thể của mình để giúp người chuyển giới, người liên giới tính không bị phân biệt đối xử vì thể hiện giới, được pháp luật thừa nhận và có quyền lựa chọn thay đổi giới tính, tên gọi và giấy tờ nhân thân.

Điều 27 trong Dự thảo quy định: 1. công dân, nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; 2. Nhà nước có chính sách đảm bảo quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. 3. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội;  Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử giới.

Theo ý kiến từ nhóm những người đồng tính, song tính và chuyển giới cho rằng, việc quy định "nam, nữ" vô tình đã bỏ sót những người liên giới tính (sinh ra với cơ thể không xác định rõ giới tính) và cũng có thể hạn chế quyền của những người chuyển giới (đặc biệt là nam sang nữ) vì họ đã sống như một người nữ nhưng lại bị phân biệt đối xử rất nặng nề. Vì vậy, nhóm này kiến nghị, Điều 27.1 và 27.2 nên quy định lại là “Công dân không phân biệt giới, giới tính đều bình đẳng và có quyền ngang nhau... Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân không phân biệt giới, giới tính trên mọi lĩnh vực...". Đối với điều 27.3 nên thêm "giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng giới".


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc