Hà Nội: Gần 700.000 căn nhà, đất chưa có sổ đỏ

20:11, 25/03/2013
|

(VnMedia) - Với hơn 500.000 căn hộ và 168.000 thửa đất chưa được cấp sổ đỏ, Hà Nội đang là địa phương "đứng đầu" trên cả nước về độ chậm trễ cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất... Tiếp theo là các địa phương như Nghệ An (335.000 thửa); thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) (311.000 thửa đất và căn hộ)...

 Ảnh minh họa

 Ảnh  minh họa


Thông tin tại hội nghị bàn giải pháp hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2013 tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm được tổ chức chiều 25/3, ông Lê Văn Lịch, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai cho biết, số lượng các trường hợp tồn đọng cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong năm 2013 ở 22 địa phương là 3,7 triệu giấy, với diện tích hơn 2 triệu ha, chiếm tới trên 70% khối lượng thực hiện của cả nước.

Điều đáng nói là sau khi rà soát lại cho thấy, số liệu kết quả cấp Giấy chứng nhận thời gian qua ở nhiều tỉnh còn chưa chính xác. Sau khi rà soát, kết quả của nhiểu tỉnh lại giảm đi, điển hình trong số đó là Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi và Đắck Nông.

Trong số các địa phương còn tồn đọng nhiều, đứng đầu là Hà Nội với 168.000 thửa đất và hơn 500.000 căn hộ, tiếp đó là Nghệ An 335.000 thửa, TP HCM hơn 300.000 thửa và căn hộ, Gia Lai 218.000 thửa, Khánh Hòa 141.000 thửa, Quảng Ngãi 140.000 thửa, Đắck Nông 119.000 thửa, Hải Phòng hơn 104.000 thửa, Quảng Ninh 80.800 thửa.

Theo ông Lịch, nguyên nhân khiến tiến độ cấp giấy chứng nhận ở các tỉnh, thành này chậm là do thủ tục phức tạp, chưa đúng quy định, thời gian thực hiện kéo dài, có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người làm thủ tục để vụ lợi hoặc cán bộ có thẩm quyền cấu kết với bên ngoài để làm dịch vụ cấp giấy. Một số nơi còn có tâm lý chỉ muốn giải quyết riêng lẻ từng trường hợp mà không mốn triển khai đồng loạt để đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra, số lượng các trường hợp tồn đọng có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai ở nhiều địa phương có khối lượng lớn, dưới nhiều hình thức, phổ biến là các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dưng nhà trái phép, lấn chiếm đất đai nên các huyện, thị còn để lại chưa giải quyết.

Đối với các dự án nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở, nhà chung cư mini tại Hà Nội và TP. HCM, vi phạm chủ yếu là xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch được duyệt; chưa làm thủ tục pháp lý về đất đai; bỏ hoang hóa đất. Nhiều người mua nhà ở để bán kiếm lời nên chưa muốn làm thủ tục để tránh nộp thuế và lệ phí trước bạ.

Tại Hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã nêu lên thực trạng, khó khăn của địa phương mình và đề xuất những giải pháp. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng, để giải quyết tốt số giấy chứng nhận tồn đọng, tránh bức xúc cho người dân thì cần tập trung vào việc cấp Giấy chứng nhận cho các cá nhân, hộ dân và Nghệ An đã xác định, việc này là thẩm quyền của lãnh đạo UBND các huyện, thành thuộc tỉnh.

Còn Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM Đào Anh Kiệt thì cho rằng, 10 năm qua, thành phố đã rất tích cực mới đạt được kết quả như báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, ông Kiệt cũng thừa nhận: “Trước đây vẫn có tư tưởng ai đến thì làm, ai không đến thì thôi bởi tâm lý e ngại, co cụm, sợ sai sót… Nhưng nay TP sẽ cố gắng phấn đấu đến tháng 6/2003 sẽ giải quyết hết số có đủ điều kiện và có nhu cầu, đến cuối 2013, sẽ giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp giấy cho các hộ có đủ điều kiện”. Ông Kiệt cũng nhấn mạnh thêm: “Nếu cán bộ nào gây khó khăn sẽ xử lý nghiêm”

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhận định, khối lượng công việc liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong thời gian sắp tới còn rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp và chỉ đạo tốt hơn nữa của chính quyền các địa phương để khắc phục tình trạng chậm trễ như thời gian qua.

Để có thể cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, thực hiện đầy đủ, đồng bộ kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh khó khăn để cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trong năm 2003, nhất là các tỉnh trọng điểm có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận thấp.

Bộ Tài chính cũng được đề nghị trình Chính phủ xem xét việc quyết định miễn thu lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở trong năm 2003 và giảm mức thu xuống còn 0,2% trong năm 2014 để khuyến khích người dân thực hiện đăng ký đất đai.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc