Giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự

11:32, 04/03/2013
|

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Vậy, anh, chị em có trở thành người giám hộ đương nhiên hay giám hộ cử cho anh, chị, em mình hay không khi Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định?

Vợ chồng bà V cùng các con Q, K, M, N ở nhờ nhà của ông bà L trên 40 năm. Sau khi ông bà V qua đời, N có gia đình ra ở riêng, còn lại Q, K và M tiếp tục sử dụng. Do có tranh chấp giữa con của ông bà L (vì ông bà L đã chết) và các con của ông bà V, Tòa án tỉnh và Tòa án tối cao xét xử: buộc anh em Q, N giao trả nhà theo yêu cầu của chủ cũ. Trong quá trình thi hành, chấp hành viên động viên bên được thi hành chấp nhận cho bên phải thi hành trả bằng tiền mặt 720 triệu đồng và tiếp tục được ở lại ngôi nhà đó. Để có tiền thi hành án, anh em ông Q, N phải bán ngôi nhà này được hơn 1 tỷ đồng, phần dôi ra gần 400 triệu đồng do ông N cất giữ. Tuy nhiên, trong số 4 anh em thì Q là người khuyết tật (chân), nhưng vẫn còn minh mẫn, còn K và M (đã gần 40 tuổi) lại là người bị thần kinh từ nhỏ. Do tranh chấp số tiền chênh lệch gần 400 triệu đồng, anh Q yêu cầu Tòa án tuyên bố K và M là người mất năng lực hành vi dân sự để được giám hộ và đại điện cho hai anh. Q dự định sẽ mua nhà khác để anh em tiếp tục đùm bọc nhau, nhưng N cũng muốn trở thành người giám hộ cho các anh của mình. Việc tranh chấp gần 400 triệu đồng chưa được Tòa án giải quyết, tuy nhiên vấn đề đặt ra: Ai sẽ là người giám hộ cho K và M.

Theo Điều 62 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) quy định về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự: 1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ. 2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ. 3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Ở trường hợp trên, cha mẹ của K, M đã mất; K, M đều không có vợ, con, nếu dẫn chiếu theo Điều luật thì K, M đều không có ai là người giám hộ đương nhiên, phải áp dụng giám hộ cử theo quy định tại Điều 63, BLDS: Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, giữa Q và N xảy ra tranh chấp giành quyền là người giám hộ của K và M thì liệu UBND xã, phường, thị trấn có cử giám hộ là một trong 2 người là Q và N, hoặc một người nào khác, một tổ chức nào khác hay không?

Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ Khoản 3, Điều 62, BLDS nên sửa đổi như sau: Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ. Nếu cha mẹ đã chết hoặc không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị, em ruột có điều kiện nhất là người giám hộ. Nếu không có anh, chị, em ruột hoặc anh, chị, em ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông bà nội, ông bà ngoại là người giám hộ. Việc bổ sung quy định như vậy phù hợp với Điều 47, Luật Hôn nhân và Gia đình: Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu; và  Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình: Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”.

Sở dĩ, việc quy định thêm đối tượng là người giám hộ đương nhiên vào Khoản 3, Điều 63, BLDS và theo thứ tự trở thành người giám hộ để đùm bọc, nuôi dưỡng nhau phải là anh, chị, em mới đến ông bà nội, ngoại, vì vừa bảo đảm thống nhất quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; pháp luật về dân sự, vừa phù hợp với đạo lý, truyền thống của người Việt Nam. Trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định giải quyết tranh chấp về giám hộ, mà chỉ dự liệu ở Khoản 12, Điều 25: Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định, nên khi nghiên cứu sửa đổi BLDS năm 2005, cần tính đến tranh chấp về quyền giám hộ đối với người thành niên mất năng lực hành vi dân sự, vì bản chất tranh chấp này phần lớn nhắm đến mục đích người giám hộ quản lý tài sản của người được giám hộ.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc