Đừng để quy định chỉ nằm trên giấy

09:44, 24/03/2013
|

Nhằm nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế, bệnh viện, khắc phục tình trạng quá tải, vượt tuyến bệnh viện, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020. Đây đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Theo Đề án thì sẽ tập trung đầu tư vào 5 chuyên khoa có công suất sử dụng giường bệnh quá cao là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Đồng thời, trong giai đoạn 2013 - 2015, sẽ ưu tiên đầu tư 45 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân – bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh – bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện có một hoặc nhiều đơn vị vệ tinh, giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 5 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh).

Còn trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục duy trì kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế - xã hội để mở rộng đề án.

Như vậy, việc triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 không ngoài mục đích nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin; gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh còn nhằm giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế.

Những mục tiêu của đề án cũng chính là sự mong mỏi, chờ đợi của đông đảo người dân. Nói vậy cũng bởi, sáng 22/3, khi khảo sát tại một số bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)…, chúng tôi chứng kiến hình ảnh rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân từ các tỉnh lui tới thăm khám, chẩn trị khiến bệnh viện trở nên quá tải. Dọc cầu thang dẫn vào Khoa ngoại phụ khoa, Bệnh viện K, do chật chỗ đứng, người nhà bệnh nhân còn ngồi la liệt ngay trên các thềm.

Tìm hiểu chúng tôi được hay, công suất sử dụng giường bệnh ở những cơ sở y tế này luôn trong tiềm ẩn nguy cơ vượt quá phần trăm quy định. Cảnh nằm ghép giường theo đó xuất hiện. 

Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, do đông người bệnh đến thăm khám, nên có những thời điểm, chỉ đạt tỷ lệ 21,1 giường bệnh/vạn dân, nhân lực y tế cho lĩnh vực khám chữa bệnh còn thiếu so với định mức biên chế và thực tế.

Trước những yêu cầu đặt ra trong thực tế hiện nay, dư luận rất mong chờ về một đề án đi vào thực tiễn, có hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh. Tránh tình trạng, đề án chỉ nằm trên giấy.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc