Chỉ trong vòng 3 tháng, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được 316,66ha đất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đạt 100% kế hoạch huyện giao.
Hình thành vùng chuyên canh
1.800 hộ với 8.672 nhân khẩu, toàn xã chia thành 8 thôn, trong đó có 2 thôn công giáo toàn tòng, mỗi thôn có một chi bộ Đảng. Đây là lực lượng nòng cốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới với công việc đầu tiên cũng quan trọng nhất là DĐĐT. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hữu Văn Trịnh Tiến Tường cho biết, ngay từ tháng 10.2012, khi có chủ trương của huyện về DĐĐT, xã đã ra nghị quyết chuyên đề, thành lập ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, các tiểu ban và tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của xã và tại các buổi họp dân tại các thôn tạo nên không khí thi đua toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Ông chia sẻ, đồng ruộng của Hữu Văn rất khó canh tác, một bên là đồi gò, một bên là vùng trũng; ruộng vừa manh mún, nhỏ lẻ, xen canh giữa các thôn lại vừa nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của Trung ương, việc DĐĐT tưởng chừng không thể thực hiện. Sau khi DĐĐT, 316,66ha đất nông nghiệp của xã đã được chuyển đổi thành 4 vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa: chuyên canh cây ăn quả tại khu gò đồi và vàn cao; xen canh lúa, cá tại các vùng trũng; khu chăn nuôi xa khu dân cư và khu chuyên canh lúa tại 48 xứ đồng. Từ chỗ mỗi hộ có 7 - 8 thửa ruộng thậm chí có hộ lên tới hơn 20 thửa thì nay chỉ còn 1-2 thửa, rất thuận lợi cho sản xuất. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện.
Từ những thành công ban đầu, chính quyền xã Hữu Văn xác định, tiếp tục thực hiện DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo tiền đề thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới. Đến nay, vùng quy hoạch sản xuất của xã đã được triển khai với hơn 32ha chuyên trồng cây ăn quả, 30ha nuôi trồng thủy sản kết hợp… Vụ xuân năm 2013, xã đã hoàn thành gieo cấy hơn 250ha lúa và trồng cây hoa màu. Hiện lúa và cây hoa màu đang sinh trưởng và phát triển tốt. Trên cơ sở quy hoạch lại vùng sản xuất, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Sau DĐĐT, xã đã bố trí đủ diện tích để 8 thôn trong xã có nhà văn hóa, sân thể thao theo quy hoạch nông thôn mới. Đồng thời, quy hoạch 4,2ha để xây dựng khu trung tâm thương mại và khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại khu Giếng; hệ thống giao thông, thủy lợi của xã đã hình thành, các trục đường chính ra đồng được mở rộng từ quỹ đất dôi dư sau DĐĐT.
Quan trọng là dân hiểu
Nguyên tắc DĐĐT của Hữu Văn là ruộng nào khó nhất, sẽ làm trước. Các hộ có diện tích dưới 5 sào được phân thành một thửa, trên 5 sào sẽ phân thành 2 thửa (hoặc tự nhận 1 thửa đất hạng trung bình). Chế độ giao ruộng được kết hợp giữa ruộng tốt nhất với ruộng xấu nhất nhằm bảo đảm công bằng giữa các hộ. Trước khi DĐĐT, xã lập kế hoạch sử dụng đất của từng thôn, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp, hỗ trợ kinh phí để làm đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi… Hộ nào chưa đồng tình, chính quyền xã, thôn và các đoàn thể có trách nhiệm vận động, thuyết phục. Thuyết phục một lần chưa được, thì thuyết phục 2 - 3 lần và quyết tâm triển khai vì lợi ích chung của toàn xã.
Có thể khẳng định, thành công trong công tác DĐĐT ở Hữu Văn đã tạo tiền đề cho địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này, ông Tường cho rằng, điều quan trọng nhất là phải làm cho người dân hiểu, đồng lòng cùng với chủ trương chính sách của nhà nước. Việc thay đổi nếp nghĩ, tập quán canh tác đã hình thành trong mỗi người cần phải có thời gian và bắt đầu từ nhận thức được những điều hơn, thiệt từ DĐĐT. Là nhóm vệ tinh, nòng cốt trong các việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đến với người dân, các trưởng thôn Hòa Bình, Đông Viên, Quang Trung… cũng chia sẻ, muốn DĐĐT thành công, trước hết phải giải thích cho nông dân, công khai kế hoạch của xã là chuyển ruộng xấu, trũng sang phát triển kinh tế trang trại. Phương án DĐĐT phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát thực tế và điều kiện thổ nhưỡng, hạng đất của từng xứ đồng, tạo sự đồng thuận trong chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên, thành viên Ban chỉ đạo và các tiểu ban ở mỗi thôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, nắm vững quy trình… để người dân tin tưởng. Đối với khu chuyển đổi, xã đầu tư ngân sách cùng với sự hỗ trợ của huyện xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Cử, xã Hữu Văn phấn khởi chia sẻ, mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng nhưng năm nay, ông mới thấy một sự thay đổi lớn trên cánh đồng của quê hương. Ông cho rằng, đây thực sự là một chủ trương đúng đắn vì nông dân mà các cấp chính quyền đã dốc sức, dồn mọi trí tuệ, nguồn lực và tâm huyết làm cho bằng được. Tâm sự của ông Cử chắc hẳn cũng là tâm sự của nhiều người nông dân khác trong xã.
Việc DĐĐT ở Hữu Văn thành công đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, xen canh, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân, tạo điều kiện cho các hộ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, làm động lực phát triển bền vững cho xây dựng nông thôn mới. Với kết quả này, đến năm 2015 Hữu Văn sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sớm hơn ít nhất 2 năm so với mục tiêu đặt ra, như lời của Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã khẳng định.
Ý kiến bạn đọc