Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung điều 20 khoản 3 Thông tư 36 năm 2010 về quy định đăng ký xe, trong đó quan trọng nhất là Thông tư đã đưa ra được hướng giải quyết đối với xe cũ, xe chuyển nhượng qua nhiều người mà chưa thực hiện sang tên, đổi chủ. Cuối năm ngoái, khi Nghị định 71/CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, vấn đề xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (không sang tên, đổi chủ) sau khi mua bán đã gây phản ứng trong dư luận, bởi nhiều người cho rằng những quy định của điều khoản này đã gây khó cho người dân, nhất là xử phạt đối với các loại xe cũ, xe được chuyển nhượng qua nhiều người mà chưa thực hiện sang tên chuyển quyền sở hữu.
Mặc dù đây là quy định rất cần thiết cho công tác quản lý của Nhà nước, nhưng do thói quen mua bán trao tay của nhiều người dân, nên lâu nay việc thực hiện sang tên, đăng ký chính chủ sau khi chuyển nhượng xe cũ đã bị nhiều người lơ là, vì vậy hiện nay số lượng xe cũ chuyển nhượng qua nhiều chủ mà chưa sang tên, đổi chủ sở hữu hoặc bị vướng về mặt thủ tục không thể sang tên, đổi chủ chiếm tỷ lệ rất lớn.
Để giúp người dân tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, cũng như giúp các lực lượng chức năng có cở sở pháp lý thực thi nhiệm vụ, vừa qua, Bộ Công an đã kịp thời ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 năm 2010 về quy định đăng ký xe, trong đó quan trọng nhất là Thông tư đã đưa ra hướng giải quyết đối với xe đã chuyển nhượng qua nhiều người mà chưa sang tên, đăng ký chính chủ. Thời gian triển khai từ ngày 15/4/2013 đến 31/12/2014.
Trong đó Thông tư nêu rõ: Khi làm thủ tục sang tên xe trong cùng tỉnh, nếu người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký (GCNĐK) xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận hồ sơ và nhanh chóng cấp GCNĐK xe cho người đang sử dụng xe sau 2 ngày làm việc. Nếu người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, cơ quan đăng ký tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục theo quy định, thu GCNĐK xe, biển số xe và viết giấy hẹn trả lời trong thời gian 30 ngày làm việc.
Đối với trường hợp làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, nếu hồ sơ sang tên có đủ chứng từ chuyển nhượng, thì thủ tục giống như sang tên trong cùng tỉnh, thời gian giải quyết sau 2 ngày làm việc. Với trường hợp không có chứng từ chuyển nhượng xe, ngoài quy định như trên, người dân phải nộp thêm phiếu sang tên di chuyển kèm hồ sơ gốc của xe. Cơ quan đăng ký xe nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ giải quyết sang tên, di chuyển chuyển sở hữu trong thời hạn 30 ngày.
Trò chuyện với PV, anh Phạm Trọng Huân và một số lái xe ôm khu vực chợ Ngọc Khánh, một bộ phận “lao động đặc thù” hàng ngày có liên quan đến giao thông và những quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện xe không chính chủ. Anh Huân cho biết, cuối năm ngoái đã nghe về việc xử phạt xe chưa sang tên đổi chủ, anh cũng định đi làm đăng ký chuyển đổi nhưng thấy thủ tục khó khăn và kinh phí đắt quá nên anh vẫn chưa đi làm đăng ký chuyển đổi.
“Bây giờ đã có thông tư mới với nhiều quy định thuận lợi như vậy, nhất định chúng tôi sẽ chủ động đi làm đăng ký chuyển đổi ngay” anh Huân cho biết. Tuy nhiên, bản thân các anh chưa được nghe nói về thông tư này. Phải chăng khâu tuyên truyền của các cơ quan chức năng vẫn chưa được quan tâm? (Thông tư 12 đã được Bộ Công an ban hành từ đầu tháng 3 và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4 tới).
Hồ sơ giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã chuyển nhượng qua nhiều người (người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng) gồm:
+ Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu ban hành kèm theo thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an xã, phường, thị trấn (gọi là Công an cấp xã) nơi người đang sử dụng xe thường trú.
+ Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định.
+ Chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng.
+ Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).
Ngoài việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho việc đăng ký chuyển quyền sở hữu xe từ phía Bộ Công an, Bộ Tài chính cũng vừa đưa ra đề xuất giảm lệ phí đăng ký phương tiện. Trong đó đối với xe đăng ký lần thứ hai trở đi sẽ giảm về mức 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Đây sẽ là tin vui cho nhiều người dân, khi mức lệ phí giảm xuống 2% sẽ tạo điều kiện cho các chủ xe cũ làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Ý kiến bạn đọc