Chất lượng chính sách

11:09, 09/03/2013
|

Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 3, có 2 quy định mới được tranh luận gay gắt trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng. Đầu tuần là Thông tư số 11/2013/TT - BCA do Bộ Công an quy định chi tiết về việc xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Giữa tuần là Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm; theo đó người đội các loại mũ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt.

Không khó nhận ra rằng, những văn bản này được ban hành mà chưa được xem xét kỹ đến tính khả thi cũng như quyền hạn, tâm tư của người dân. Chắc hẳn các cơ quan quản lý đều biết, yêu cầu công dân khi sử dụng phương tiện giao thông phải mang theo giấy tờ chứng minh việc mình mượn, thuê phương tiện đó là không hợp pháp và không phù hợp với tập quán, văn hóa ứng xử của người Việt. Hơn nữa, quyền sở hữu của chủ phương tiện giao thông còn có thể điều chỉnh bởi Luật Dân sự và Luật Hành chính. Dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện nghĩa vụ chứng minh là khi có tranh chấp quyền sở hữu. Còn dưới góc độ hành chính, nếu xử phạt hành chính vì lý do không chuyển quyền thì nghĩa vụ chứng minh thuộc người có thẩm quyền xử phạt. Như vậy, việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật.

Tương tự, bất cứ ai cũng muốn mua được mũ bảo hiểm có chất lượng với giá phải chăng nhằm hạn chế thương vong khi không may xảy ra sự cố giao thông. Nhưng, tất cả những người đội mũ bảo hiểm đều không phải là chuyên gia về chất lượng mũ bảo hiểm, vì thế, việc mua phải mũ không đúng quy chuẩn là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi họ mua sản phẩm có dán dấu hợp quy (CR) tại các cửa hàng có giấy phép kinh doanh thì vẫn có thể xảy ra trường hợp tem CR là giả. Người dân càng không thể làm thay các cơ quan chức năng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm vì họ không đủ chuyên môn, dụng cụ, quyền hạn trong lĩnh vực này.

Trên đây chỉ là những ví dụ thời sự. Thời gian qua, ở các lĩnh vực khác, có không ít chính sách được ban ra một cách đầy ngẫu hứng, bất nhất. Có thể kể ra như quy định về cấm xe ba gác; quy định về hành nghề xe ôm; quy định về giấy tờ nhà đất; quy định về bán hàng rong; quy định về thủ tục đầu tư; quy định về kinh doanh vàng; quy định về nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi... Chưa nói, một văn bản pháp luật có chất lượng kém có thể gây ra những tác động tiêu cực khó lường, đặc biệt là đối với những nhóm chịu tác động dễ bị tổn thương. Đáng nói là phần lớn trong số này đều là những chính sách do các bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương đưa ra. Thực tế này đang phản ánh một cung cách quản lý dễ cho cơ quan nhà nước nhưng gây khó khăn, thậm chí gây thiệt hại cho người dân; đồng thời cho thấy chất lượng xây dựng chính sách hiện còn quá nhiều bất cập.

Theo quy định hiện nay, các loại văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Thủ tướng trở xuống không bị bắt buộc phải thực hiện RIA (đánh giá tác động sơ bộ văn bản khi chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định; đánh giá tác động trong quá trình soạn thảo văn bản và đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản) trong quy trình soạn thảo. Trong khi đó, những văn bản này lại tác động rất nhanh, mạnh đến đời sống của doanh nghiệp và người dân. Nếu lỗ hổng này không được lấp sớm sẽ khó ngăn chặn được những chính sách pháp luật kém chất lượng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc