(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, chính việc xem xét lại thiết kế của hồ chứa bùn đỏ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phải kéo dài tiến độ của dự án. Tuy nhiên, điều này là để đảm bảo độ an toàn của dự án.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng |
Thời gian gần đây, việc chậm trễ về mặt tiến độ cũng như những điều chỉnh liên quan đến 2 dự án thí điểm khai thác bauxit tại Lâm Đồng và Đắc Nông một lần nữa lại làm nảy sinh những câu hỏi liên quan đến tính khả thi, tính hiệu quả cũng như những lo ngại về môi trường. Trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 10/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời những thắc mắc về vấn đề này.
- Đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ sở để Việt Nam triển khai những dự án khai thác và chế biến bauxit tại Tây Nguyên?
Theo khảo sát ban đầu, hiện nay trữ lượng Bauxit ở Việt Nam vào khoảng 10 tỷ tấn. Có thể đánh giá Việt Nam là một trong số ít những nước có trữ lượng quặng bauxit lớn trên thế giới. Việc triển khai các dự án khai thác, chế biến bauxit ở Đắc Nông và Lâm Đồng góp phần tạo tiền đề chúng ta phát triển ngành công nghiệp luyện nhôm. Hiện nay nhu cầu nhôm kim loại trên thế giới ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về alumin cũng tăng. Hiện tại, Việt Nam sử dụng một năm khoảng 500 nghìn tấn nhôm kim loại và chúng ta phải chi ra mỗi năm khoảng 1 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu số lượng kim loại nhôm này. Trong khi chúng ta hiện nay vẫn phải nhập 100% nhôm kim loại thì việc chúng ta khải thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên lớn về quặng bauxit thông qua công nghiệp chế biến alumin và tiến tới sản xuất nhôm là hết sức cần thiết.
Hơn nữa, việc triển khai những dự án thí điểm này tại Tây Nguyên sẽ góp phần phát triển một khu vực rất giàu tiềm năng nhưng hiện đang rất khó khăn trong phát triển kinh tế. Với tinh thần đó, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển từng bước, thận trọng trong ngành công nghiệp sản xuất nhôm là hết sức đúng đắn.
- Thưa Bộ trưởng, dự án Tân Rai hiện đã chậm tiến độ hơn 2 năm và dự án Nhân cơ thì có thể chậm tiến độ hơn 1 năm. Lý do vì sao?
Qua kiểm tra đánh giá, trước hết đây là những dự án có tính chất kỹ thuật tương đối phức tạp, lần đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Thêm vào đó, trong quá trình triển khai dự án, công tác tuyên truyền, giải thích làm rõ sự cần thiết của dự án đối với công luận ở trong nước, chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước cũng làm chưa thật tốt. Vì vậy, một số hạng mục công trình phải tạm giãn tiến độ để xem xét trước khi quyết định.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, chính việc xem xét lại thiết kế của hồ chứa bùn đỏ là một trong những nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến việc phải kéo dài tiến độ của dự án |
Sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở một dự án sản xuất alumin tại Hunggari, chúng ta đã quyết định cử một đoàn đại diện cơ quan có liên quan sang khảo sát tại chỗ, sau đó về báo cáo với Chính phủ, đề xuất những phương án bổ sung, thiết kế kỹ thuật của hồ bùn đỏ nhằm đảm bảo độ an toàn rất cao của công trình này. Chúng tôi cho rằng, chính việc xem xét lại thiết kế của hồ chứa bùn đỏ là một trong những nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến việc phải kéo dài tiến độ của dự án.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan, đó là chủ đầu tư còn rất ít kinh nghiệm trong việc triển khai những dự án loại này, biến động của các chi phí trong đầu tư dẫn đến phải tìm thêm các nguồn vốn để bổ sung cho dự án.
Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là, nếu chúng ta chậm một chút nhưng đảm bảo được độ an toàn của công trình thì chắc chắn sẽ yên tâm hơn là chúng ta cố gắng giữ tiến độ công trình nhưng lại chưa an tâm về mức độ an toàn của công trình.
Cho đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành dự án ở Tân Rai và đã đưa vào sản xuất mẻ đầu tiên vào tháng 12/2012 và trong những ngày tới sẽ chính thức khánh thành dự án. Còn dự án tại Nhân Cơ đã có cơ sở rút kinh nghiệm của dự án Tân Rai, vì vậy tiến độ nhanh hơn, đến nay đã hoàn thành 50% khối lượng xây lắp.
- Thưa Bộ trưởng, giá alumin đến thời điểm này đã giảm xuống mức 326,5 đô la Mỹ một tấn, thấp hơn rất nhiều so với giá mà dự án để ra vào thời điểm được phê duyệt. Như vậy, chúng ta sẽ đánh giá hiệu quả những dự án này như thế nào?
Đúng là so sánh giá nhôm, giá alumin hiện nay so với thời điểm tháng 9/2009 đã giảm khoảng 10%, nhưng khi chúng ta đánh giá hiệu quả của một dự án có vốn đầu tư lớn, có thời gian hoạt động khoảng 30-40 năm thì không thể chỉ dựa vào giá tại một thời điểm để nói rằng dự án đó có hiệu quả hay không hiệu quả. Hơn nữa, khi đã thí điểm thì không thể khẳng định một cách chắc chắn ngay từ đầu về tính hiệu quả của dự án. Chúng ta cần phải có thời gian thì mới khẳng định được.
Nếu chỉ dựa vào giá alumin tại thời điểm hiện nay để nói rằng dự án không hiệu quả thì tôi cho là thiếu cơ sở để thuyết phục, bởi giá alumin và giá nhôm cũng như giá những kim loại mầu khác có biến động, có thời gian giảm, có thời gian tăng, nhưng xu hướng nói chung là tăng. Chúng tôi tin rằng, trong quá trình vận hành dự án, chủ đầu tư sẽ nghiên cứu để tiết kiệm các khâu chi phí cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng làm chủ thì chắc là hiệu quả của dự án sẽ tăng lên.
- Thưa Bộ trưởng, cảng Kê Gà được thiết kế nhằm thực hiện quy hoạch khai thác bauxit tại Tây Nguyên. Một số ý kiến cho rằng, việc dừng dự án cảng Kê Gà cho thấy dấu hiệu việc tính toán để triển khai các dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên là vội vã và chưa thực sự chặt chẽ?
Quy hoạch bauxit được xem xét cho phù hợp với từng thời kỳ và vừa qua, chúng ta đã quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch này. Theo đó, quy mô, số lượng các dự án khai thác bauxit giảm hơn rất nhiều so với quy hoạch ban đầu. Chúng ta chỉ làm 2 dự án thí điểm với công suất là 1,3 triệu tấn. Rõ ràng, quy mô phục vụ cho công nghiệp bauxit và nhôm không còn như trước nữa.
Thêm vào đó, tại khu vực Bình Thuận chúng ta đã quyết định tạm dừng khai thác titan cho đến khi có dự án chế biến sâu có hiệu quả. Đồng thời, các nhà máy nhiệt điện tại khu vực Bình Thuận đã được chỉ đạo để nghiên cứu, xây dựng một cảng trung chuyển than. Vì vậy, tính thời sự và sự phù hợp của cảng Kê Gà như ban đầu không còn nữa. Cho nên, theo đề nghị của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, với ý kiến nhất trí của các Bộ có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã dừng triển khai dự án cảng Kê Gà. Cho đến nay, chúng ta chưa đầu tư gì đáng kể cho cảng này.
- Như Bộ trưởng phân tích thì đây là 2 dự án mang tính thí điểm, bước đầu. Liệu có xảy ra việc sau khi hoàn tất thí điểm thì chúng ta nhận ra có những tác động đến môi trường mà chúng ta không thể sửa chữa, đặc biệt là vấn đề bùn thải từ các dự án này?
Với sự tham gia tích cực, vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, cùng với việc chúng ta đã triển khai một cách cẩn trọng và có bước đi phù hợp để tính toán, thiết kế để xây dựng các hạng mục công trình, đáp ứng yêu cầu an toàn, môi trường thì chúng ta có cơ sở để tin rằng, sau khi hoàn thành 2 dự án thí điểm, chúng ta sẽ không phải lo lắng về việc phát sinh những hậu quả về môi trường mà chúng ta không khắc phục được.
Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam vừa qua đã tiến hành thí điểm việc tách sút từ bùn đỏ để sản xuất ra sắt xốp và các vật liệu xây dựng không nung. Nếu như dự án thí điểm này thành công thì có thể triển khai thành những dự án quy mô công nghiệp, vừa góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho dự án, đồng thời làm giảm chi phí đầu tư và rõ ràng là làm tăng thêm hiệu quả tổng hợp của dự án.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Tuệ Khanh -
(ghi)
Ý kiến bạn đọc