(VnMedia) - Đó là con số được đưa ra tại buổi lễ công bố quyết định thanh tra thiết bị giám sát hành trình của các doanh nghiệp vận tải tại Bộ Giao thông vận tải vào chiều 21/3.
>>Bộ Giao thông điểm mặt “kẻ thù” gây tai nạn xe khách
Chiều 21/3, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ công bố quyết định thanh tra thiết bị giám sát hành trình (GPRS) với 3 nhà thử nghiệm và 52 nhà cung cấp thiết bị cho các doanh nghiệp vận tải trên cả nước.
Tại buổi công bố quyết định, ông Nguyễn Văn Luyện, Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau một năm thí điểm việc lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Thời gian đầu khi mới triển khai, dự kiến chỉ có 6 nhà cung cấp dịch vụ nhưng đến nay con số này đã tăng lên 52 đơn vị. Do có quá nhiều nhà cung cấp thiết bị nên chất lượng bị thả nổi. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thiết bị GPRS bị hỏng, mời nhà cung cấp đến sửa chữa, bảo hành nhưng không đến.
Theo ông Chánh thanh tra, hiện nay 100% doanh nghiệp đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên chỉ để chống đối. Hơn nữa, sau khi lắp đặt thiết bị này, các doanh nghiệp không có người theo dõi hoạt động nên không phát huy tác dụng. Thêm vào đó, một số Sở Giao thông vận tải chưa thực sự vào cuộc trong việc giám sát thực hiện nên hiệu quả của thiết bị GPRS không cao. Vì vậy, phải kiểm tra để khắc phục những khiếm khuyết trên.
“Sau kiểm tra, lỗi thuộc về đơn vị nào đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, thuộc Bộ thì Bộ giải quyết. Thời gian tiến hành thanh tra sẽ kéo dài khoảng 2-3 tháng”, ông Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết.
3 nhà thử nghiệm và 52 nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho các doanh nghiệp vận tải sẽ bị thanh kiểm tra trong thời gian tới. |
Đồng quan điểm, đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng cho biết, sau hơn một năm triển khai việc lắp đặt thiết bị GPRS đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp lắp đặt đối phó là chủ yếu. Đặc biệt là khi có quy định xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới được đăng kiểm nên tính chất đối phó càng thể hiện rõ hơn.
“Việc kiểm tra là tốt, sau đợt thanh kiểm tra này nên loại bỏ bớt những nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình không tốt. Đồng thời, loại bớt “cò” trung gian (các đại lý bán hàng) để nâng cao chất lượng của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”, đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM kiến nghị.
Theo vị đại diện này, ở TPHCM hiện nay có 18 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình nhưng không có máy chủ nên toàn phải sử dụng máy của đơn vị cung cấp. Vì thế, cần nhanh chóng thành lập một trung tâm cơ sở dữ liệu chung để dễ quản lý.
Tham dự buổi lễ công bố, đại diện Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đánh giá, hiện nay việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới đặt ra cho có chứ chưa có quy chuẩn. Ban đầu chỉ có khoảng 6 nhà cung cấp nhưng đến nay đã có 52 đơn vị; trong khi đó đơn vị nào cũng chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lương nên đây là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải.
“Riêng với Đà Nẵng, chúng tôi đã buộc các doanh nghiệp phải cung cấp mật khẩu để kiểm soát hoạt động của xe khách sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện Sở Giao thông vận tải chỉ cần ngồi ở văn phòng kiểm tra xe nào không có mật mã thì buộc doanh nghiệp phải cung cấp”, đại diện Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng nói về kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp vận tải sau khi lắp đặt thiết bị GPRS.
Tổ chức thanh tra làm 3 đợt
Tại buổi công bố kế hoạch thanh tra, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, người được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn thanh tra cho biết, để chuẩn bị cho việc thanh tra, đơn vị này đã gửi văn bản đến 1 số Sở Giao thông vận tải yêu cầu tập trung các đơn vị cung cấp và lắp đặt thiết bị GPGS tại 5 địa điểm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai.
Việc kiểm tra sẽ được báo trước cho các đơn vị trước 2 ngày. Dự kiến đợt 1 sẽ kiểm tra 10 đơn vị từ 1-18/4 tại Hà Nội. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ kiểm tra các đợn vị tại 3 tỉnh: TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai. Sau đó, sẽ quay trở lại làm nốt các đơn vị còn lại tại Hà Nội và Hải Phòng.
Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra từ quy trình sản xuất, thử nghiệm tiêu chuẩn chất lượng đến các thông số kỹ thuật, tính năng, hiệu quả khả năng khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu hộp đen…
“Sau thanh tra sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đề xuất xử lý những vi phạm liên quan, nhằm chấn chính hoạt động vận tải khách”, ông Sỹ cho biết.
Ý kiến bạn đọc