Vai trò giám sát là vô cùng quan trọng

22:56, 02/02/2013
|

Năm 2012, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Yên Bái được giao giám sát 1 chuyên đề, nhưng qua kiến nghị của cử tri, nhận thấy có một số vấn đề bức xúc nên Ban đã đề nghị tổ chức giám sát thêm 3 chuyên đề. Qua giám sát, Ban đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và đề xuất nhiều kiến nghị xác đáng, được các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn quan tâm giải quyết kịp thời.

Kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong cho thấy, năm 2010 Chính phủ đã dừng việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với thanh niên xung phong theo Quyết định số 140 và đến tháng 7/2011 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40 (thay thế). Tiếp theo đó, ngày 16.4.2012 các bộ, ngành liên quan đã ban hành Thông tư số 08 hướng dẫn việc thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm Ban giám sát (tháng 9/2012) các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh vẫn chưa ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định 40 và Thông tư 08, dẫn đến tình trạng số hồ sơ thanh niên xung phong tồn đọng cao (825 hồ sơ), gây bức xúc đối với đối tượng thụ hưởng chính sách.

Sau giám sát, những kiến nghị của Ban được các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn quan tâm giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong. Cụ thể, ngày 18/10/2012 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 40 và Thông tư số 08. Tiếp theo đó, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định 40 và Thông tư 08; đồng thời hướng dẫn các cơ sở tiến hành rà soát đối tượng, xác lập hồ sơ, dự kiến việc xét hồ sơ chia làm 3 đợt và hoàn thành trong tháng 8/2013.

Giám sát việc thực hiện chính sách nghỉ hưu đối với cán bộ, viên chức làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 và cán bộ y tế làm công việc nặng nhọc, độc hại, Ban nhận thấy: quá trình thực hiện quy trình, thủ tục nghỉ hưu cho nhóm đối tượng này vẫn còn một số quy định của địa phương chưa phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, gây thiệt thòi cho người lao động. Đơn cử như việc áp dụng tuổi nghỉ hưu, theo Luật Bảo hiểm xã hội quy định thì độ tuổi nghỉ hưu đối với nhóm đối tượng này là trong khoảng 5 độ tuổi (nam từ đủ 55 đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi), nhưng địa phương lại áp dụng ở 1 tuổi nhất định (nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi). Khi làm việc với các cơ quan chuyên môn, các thành viên Đoàn giám sát nhận rõ nguyên nhân chính do năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ thực hiện quy trình, thủ tục nghỉ hưu còn hạn chế, dẫn đến tình trạng áp dụng tuổi nghỉ hưu cho nhóm đối tượng này theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội (đã hết hiệu lực từ năm 2007). Trên cơ sở những kiến nghị của Ban, ngày 31/5/2012 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1003 chỉ đạo các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn khắc phục những bất cập trong việc thực hiện chính sách nghỉ hưu đối với nhóm đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên nghỉ hưu trước tuổi. Đến nay, các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và ngành y tế đã cơ bản áp dụng tuổi nghỉ hưu cho cán bộ, viên chức theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Qua giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh phổ thông dân tộc bán trú, Ban chỉ rõ nguyên nhân bỏ sót nhóm đối tượng học sinh có hộ khẩu cư trú tại các thôn bản đặc biệt khó khăn do hệ thống văn bản hướng dẫn xét duyệt học sinh bán trú của địa phương chưa phù hợp với Thông tư số 65, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với học sinh bán trú và đề xuất giải pháp khắc phục. Tiếp theo đó, ngày 31/12/2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 50/2012/QĐ-UBND quy định tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ trên địa bàn. Tại quyết định này, UBND tỉnh đã bổ sung nhóm đối tượng học sinh bán trú có hộ khẩu cư trú tại các thôn bản đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ.

Kết quả trên cho thấy, hiệu quả giám sát của HĐND được thể hiện ở chính những việc làm cụ thể của UBND và các ngành hữu quan. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND, UBND và các cơ quan chức năng trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, vào những hạn chế, bất cập, tìm nguyên nhân để kịp thời có giải pháp khắc phục với mục đích xây dựng chính quyền địa phương trong sạch vững mạnh. UBND và các cơ quan chuyên môn khi thừa nhận kiến nghị của HĐND là chính xác, sát thực tế cần quan tâm xem xét chỉ đạo và giải quyết kịp thời.

Đối với HĐND, quá trình xây dựng chương trình giám sát cần lựa chọn những vấn đề bức xúc, cử tri và nhân dân quan tâm; đồng thời tập trung giám sát theo chuyên đề để có điều kiện đi sâu, xem xét kỹ và đưa ra được những kiến nghị hợp lý. Trước khi giám sát phải xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát và thông báo cho các cơ quan chịu sự giám sát trước 7-15 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp báo cáo. Quá trình tham gia giám sát, các thành viên phải nghiên cứu nắm vững các văn bản QPPL, tình hình thực tế ở cơ sở; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và HĐND các cấp, để thu thập thông tin. Báo cáo giám sát phải đánh giá rõ kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục. Các kiến nghị qua giám sát phải rõ ràng chính xác, đúng pháp luật, đúng với tình hình thực tế, bảo đảm cho tổ chức và cá nhân thực hiện. Sau giám sát, cần tập tập trung đôn đốc, theo dõi việc giải quyết các kiến nghị, đáp ứng kỳ vọng của cử tri.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc