Tưng bừng khai hội Tịch điền đầu xuân

15:17, 16/02/2013
|

(VnMedia) - Ngày 7 tháng Giêng hàng năm, con em trong tỉnh cũng như du khách gần xa lại nô nức rủ nhau về thăm hội Tịch điền tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn và thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Ngày lễ Tịch điền đầu năm

Năm thứ 5 được tổ chức, lễ hội Tịch điền năm nay được tổ chức với quy mô lớn, tạo được không khí linh thiêng và niềm phấn khởi cho tất cả mọi người.

Về tham dự lễ hội năm nay có Đồng chí Nguyễn Thị Doan - Phó chủ tịch nước, Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương - Tư lệnh quân đoàn 1; Đồng chí Trần Xuân Lộc-Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam; Đồng chí Mai Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Cùng với các vị lãnh đạo huyện Duy Tiên, các Ban ngành cùng đại diện các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quận Hai Bà Trưng- TP Hà Nội và đông đảo bà con, khách thập phương.

 Ảnh minh họa


Người dân khắp nơi đổ về xem lễ hội Tịch điền

 
 Ảnh minh họa


 Phó chủ nước - Nguyễn Thị Doan cùng nhiều vị lãnh đạo cấp Tỉnh, Huyện... về tham dự Lễ hội 


Lễ Tịch điền được mở đầu với màn múa trống chào mừng. Tiếng trống của làng Đọi Tam vang lên, báo hiệu một năm mới, một mùa vụ mới với nhiều thắng lợi. Sau đó là lễ dâng hương lên vua Lê Đại Hành. Trong không khí linh thiêng của ngày đầu năm, những nén hương được thắp lên bằng lòng thành kính để tưởng nhớ đến công ơn của vua Lê Đại Hành, người đã có những luống cày khai xuân đầu tiên trên mảnh đất Đọi Sơn vào năm 987.

 Ảnh minh họa


Nghi lễ cày ruộng Tịch điền được khởi hành với mong ước mưa thuận gió hòa


Ngay sau lễ dâng hương là nghi thức cày Tịch điền, dùng trâu để cày ruộng, khai mở một năm lao động, cày cấy với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.

Những con trâu dùng để cày trong lễ hội được trang trí từ ngày mồng 6. Cày Tịch điền xưa là do vua quan, bô lão cày, nay do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và đại diện dân làng cày.

 Ảnh minh họa


Các thiếu nữ theo sau gieo hạt cầu mong mùa bội thu

 Ảnh minh họa


Lễ hội còn tổ chức các trò vui chơi, giải trí, văn nghệ dân gian...


Cùng với các nghi thức chính, trong khu vực lễ hội còn tổ chức các trò vui chơi, giải trí, văn nghệ dân gian, các hoạt động phục vụ du khách thập phương và người dân địa phương. Những bài hát mang đậm hương vị của quê hương vùng chiêm trũng Hà Nam, những điệu múa mềm mại của các chàng trai cô gái là sự mở đầu cho một năm mới với nhiều may mắn, luôn rộn ràng niềm vui.

Tìm về cội nguồn dân tộc

Núi Đọi, sông Châu là biểu tượng của tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa và cây Bảo tháp được xây dựng dưới triều vua Lý Nhân Tông cách đây gần nghìn năm.

Theo Việt sử lược, cuốn sử biên soạn vào thời nhà Trần đã ghi chép về sự kiện vào năm Đinh Hợi, Niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987), vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền ở Đọi Sơn được một chĩnh vàng, một chĩnh bạc, mở đầu cho phong tục đẹp để các nhà vua triều đại sau noi gương khuyến nông.

 Ảnh minh họa


...đây là phong tục đẹp mở đầu cho một năm mới  nhiều may mắn 


Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chăm lo đời sống người dân, bắt đầu từ Xuân Canh dần năm 2010, tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức tái hiện lại lễ hội Tịch điền.

Lễ hội được tổ chức trong vòng 3 ngày, từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng ( âm lịch). Sáng ngày mồng 5 có lễ rước nước từ giếng làng lên chùa Đọi; buổi tối tại đình Đọi Tam làm lễ cáo yết xin thành hoàng cho mở hội. Đến ngày mồng 6 diễn ra hoạt động thi vẽ và trang trí trâu. Buổi tối, trên chùa Đọi tổ chức Đại lễ giải hạn cầu an và biểu diễn nghệ thuật. Ngày mồng 7 tổ chức lễ Tịch điền là trọng tâm của lễ hội.

Lễ hội không chỉ góp phần tái hiện lại một nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân đất Việt mà còn là lời nhắc nhở con cháu về những truyền thống dân tộc. Nó là sự mở đầu cho một năm mới với thật nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

Đến với lễ hội Tịch điền ngày đầu năm để được trở về với những nét sơ khai thuở ban đầu của ngày hội vua đi cày, về với sự tĩnh lặng của vùng quê Đọi Sơn, tĩnh tâm khi được đi vãn cảnh chùa để nhìn lại một năm đã qua và cùng mong ước cho một năm mới.

Lễ hội Đọi Sơn cũng là dịp để nhân dân trong vùng và du khách gần xa nhớ về cội nguồn dân tộc, có cơ hội chiêm ngưỡng di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh và hành hương về với Thần, Phật.


Quỳnh Giang - Minh Phương

Ý kiến bạn đọc