(VnMedia) - Để giải quyết những vướng mắc, bất cập và bức trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai có tới 2 mục với 19 điều quy định về công tác này chứ không chỉ có 2 điều như Luật đất đai 2003…
Sáng 22/2, Tổng cục Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, đối với công tác thu hồi đất, Dự án sửa đổi Luật Đất đai đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, trong đó có các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Dự thảo Luật sửa đổi cũng đã thu hẹp hơn các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội so với quy định hiện hành, đồng thời quy định cơ chế Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để tạo quỹ đất sạch để giao, cho thuê theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, phát huy nguồn lực từ đất đai.
“Quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng, quy hoạch là định hướng nhưng kế hoạch phải cụ thể hàng năm, kế hoạch thực hiện của từng dự án chứ không thể cứ thu hồi đất giao cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp nhận đất rồi để đó nhiều năm…” - ông Hiển giải thích.
|
Đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Dự thảo cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất, trong đó quan tâm hơn đến việc tham gia của người dân trong việc xây dựng, phê duyệt, giám sát việc thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Quy định về việc cưỡng chế quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và quyết định thu hồi đất.
“Với quy định của Luật đất đai năm 2003 (chỉ có 2 điều) thì chưa thể xử lý hết được các quan hệ hành chính, kinh tế, xã hội về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong khi các quy định của Nghị định hướng dẫn thì không thể vượt khung của Luật. Vì vậy, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã tăng thành 2 mục với 19 điều” – thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.
Đánh giá lợi ích của Nhà nước và một bộ phận người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng và tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn diễn biến phức tạp, thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Dự thảo đã quy định rõ các nguyên tắc bồi thường, các khoản được bồi thường như bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất, thiệt hại về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất cụ thể cho từng loại đất, từng đối sử dụng đất…
Dự thảo cũng quy định cụ thể hình thức bồi thường đất; Quy định cụ thể các trường hợp được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; điều kiện được bồi thường và những trường hợp không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về xử lý chênh lệch về giá đất khi việc triển khai dự án chậm, kéo dài; Quy định cụ thể về việc lập và thực hiện dự án tái định cư, bố trí tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án đặc biệt…
Thu hồi đất là một trong những biện pháp quan trọng để Nhà nước chủ động trong việc phân bố và phân phối lại tài nguyên đất đai quốc gia. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có vai trò quan trọng trong công tác thu hồi đất. Chính vì vậy, để giải quyết những vướng mắc, bất cập và bức xúc trong trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; cơ chế để Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất nhằm tạo quỹ đất và khai thác nguồn lực từ đất; Cơ chế đồng thuận trong việc tự nhận chuyển quyền sử dụng đất dể thực hiện các dự án đầu tư mà không thông qua Nhà nước thu hồi đất; Trình tự, thủ tục thu hồi đất sự tham gia của người dân trong quy trình thu hồi đất, xét duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất.
Đối với vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ý kiến đề xuất về các giải pháp liên quan đến điều kiện để được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất; Những trường hợp không được bồi thường về đất, bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất; bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất; Giá đất bồi thường; Vấn đề hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Vấn đề tái định cư khi nhà nwóc thu hồi đất.
Ý kiến bạn đọc