Thái Bình: Long trọng khai mạc lễ hội đền Trần

20:29, 23/02/2013
|

(VnMedia) - Tối qua 22/02 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Quý Tỵ), tại khu di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ và lăng mộ các vua Trần, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã long trọng khai mạc lễ hội đền Trần năm 2013.

Trước giờ khai mạc lễ hội đã diễn ra các hoạt động sôi nổi mang đậm màu sắc của vùng châu thổ sông Hồng như: Lễ tế mở cửa Đền, lễ rước nước thiêng từ ngã 3 sông Hồng về đền Trần, lễ bái yết, lễ tế mộ các Vua Trần.

Nét đặc biệt của lễ hội năm nay là mở hội hưởng ứng Năm du lịch đồng bằng sông Hồng với rất nhiều nghi thức, nghi lễ và các trò chơi dân gian đặc biệt như: Rước kiệu thánh, thi gói bánh chưng, thi cờ người, thi cỗ cá...

Từ sáng sớm ngày 22/2, nhiều nghi thức đã được tái hiện như: lễ tế mở cửa đền, lễ bái yết, tế mộ... trong không khí linh thiêng, tôn kính. Nhiều hoạt động thu hút được sự quan tâm của người dân và mang tính truyền thống là lễ rước nước để nhắc lại thuở xưa tổ tiên nhà Trần đều sống bằng nghề chài lưới.

 Ảnh minh họa

 Lễ dâng hương

 Ảnh minh họa

  Lễ rước nước vào trong Đền 

 Ảnh minh họa

Ông Phạm Văn Sinh - Chủ tịch UBND tỉnh đánh trống khai mạc mùa lễ hội

 Ảnh minh họa

Màn sử thi hiện lại những trang sử hào hùng của vương Triều Trần cách đây hơn 700 năm.


Theo sử sách, tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề đánh cá từ đất Đông Triều. Đến đời Trần Kinh thì chuyển về Tức Mặc (Nam Định) và qua đời ở đó. Con trai Trần Kinh là Trần Hấp, nhờ tìm được thế đất tốt đã rời mộ bố về táng tại Thái Đường, Long Hưng, nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và cư trú tại đây. Từ nghề đánh cá, Trần Hấp cùng con cháu chuyển dần lên bờ làm ruộng và trở nên giàu có, ngày càng có thế lực mạnh để bước vào vũ đài chính trị. Đến đời thứ tư Trần Cảnh thì được trao ngôi báu từ tay nhà Lý.

Nếu như Tức Mặc (Nam Định) là nơi vị họ tổ nhà Trần định cư ban đầu thì vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được xác định là quê hương, là nơi khởi nghiệp của gia tộc họ Trần cách đây 750 năm.

Nhà Trần đã chọn Thái Đường – Long Hưng làm nơi đặt tôn miếu để xây dựng lăng tẩm an táng các vị vua và hoàng hậu đầu triều cùng nhiều trọng thần trong Hoàng tộc. Thái tổ Trần Thừa được táng tại Thọ Lăng, Thái Tông táng tại Chiêu Lăng, Thánh Tông táng tại Dụ Lăng, Nhân Tông táng tại Đức Lăng, đều thuộc đất Thái Đường.  Hiển Tông táng tại An Lăng, xã Thâm Động, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, ngày nay thuộc phần xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà.
 
 Ảnh minh họa

3 ngôi mộ vua Trần ở Thôn Tam đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vẫn còn nguyên vẹn

Còn lại các vua Anh Tông, Minh Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Thuận Tông được táng tại Đông Triều. Vùng đất Tức Mặc, Nam Định được xây dựng thành cung để các vị Thượng Hoàng về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Trai tráng đất Hưng, Hưng Hà được vua Trần tin cẩn, lựa chọn xung vào làm quân túc vệ, quân tinh cương bảo vệ Triều đình, giúp Vua phòng khi có binh chiến, giặc dã xâm lăng. Cả ba lần kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược, mảnh đất Long Hưng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay) đều là nơi Nhà Trần chọn làm căn cứ thứ hai (sau thành Thăng Long) để lánh nạn, tập hợp quân sỹ, chuẩn bị vũ khí phát triển sản xuất, tích lũy lương thảo. Đặc biệt, nhà Trần đã chọn nơi đây làm nơi tổ chức các Đại lễ Bái yết tổ tiên, ban phúc ân và ăn mừng chiến thắng. Đặc biệt trong lễ tế tổ và mừng chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ ba ngày 17/3 năm Mậu Tý (1288) tại nơi đây, vua Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc 2 câu thơ bất hủ ca ngợi tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc ngoại xâm của quân dân Đại Việt và thể hiện tấm lòng của Vua - tôi nhà Trần: 

“ Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu ”

Dịch là:

" Xã tắc hai phen chồn ngựa đá             
 Non sông nghìn thủa vững âu vàng "  

Thuở bình sinh, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã từng nhắc nhở con cháu phải nhớ lấy gốc tổ tiên nhà mình làm nghề đánh cá ở vùng hạ lưu, với tâm thức “Sống ngâm da, chết ngâm xương” ở nơi chôn nhau cắt rốn, nhà Trần đã chọn đất Long Hưng – Thái Bình làm nơi đặt tôn miếu, xây dựng lăng tẩm làm nơi an nghỉ vĩnh hằng cho các vị vua đầu triều cùng Hoàng tộc.

Lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình mở hội định kỳ hàng năm từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Thái Bình, cũng như các du khách thập phương trong và ngoài nước về thắp hương tưởng niệm và tỏ lòng tri ân với các vua Trần và các hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.


Bảo Hải - (tin, ảnh)

Ý kiến bạn đọc