Tàu điện ngầm ảnh hưởng “long mạch” Hồ Gươm?

18:11, 27/02/2013
|

(VnMedia) - Xung quanh vấn đề làm đường tàu điện ngầm chạy qua khu vực phố cổ và “đổ bộ” tại Bờ Hồ, một số ý kiến quan ngại việc ảnh hưởng đến văn hoá và tâm linh khu vực này. VnMedia đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề này.

 Ảnh minh họa

 Việc làm đường tàu điện ngầm ở khu vực Bờ Hồ liệu có cần phải để ý đến "long mạch?


- Thưa ông, Hà Nội vừa chấp nhận phương án làm ga tàu điện ngầm ngay trên phố Đinh Tiên Hoàng. Là một nhà sử học, ông có ý kiến gì về quyết định này?
 
Tôi nghĩ rằng, việc làm đường giao thông di chuyển đến những khu vực có danh lam thắng cảnh cũng là để tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông. Vấn đề ở đây là tôi không nắm được kỹ thuật như thế nào nên băn khoăn rằng, nếu đường giao thông ngầm đi xuyên qua phố cổ thì có làm lún sụt gì không.
 
Đối với việc đặt nhà ga ở cạnh Hồ Hoàn Kiếm, tôi cũng băn khoăn rằng công trình ngầm ở phố Đinh Tiên Hoàng có gây ảnh hưởng gì đến mực nước Hồ Gươm hay không. Chúng ta biết rằng, Hồ Hoàn Kiếm là phần còn lại của Sông Hồng khi dịch chuyển. Nước sông Hồng hình như vẫn thẩm thấu vào lòng Hồ Hoàn Kiếm như Hồ Tây, vì có hiện tượng khi nước sông Hồng lên thì nước trong lòng hồ Hoàn Kiếm cũng đầy hơn. Vậy các khối bê tông có làm ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên của hồ hay không? Điều này phải để cho các nhà chuyên môn trả lời.
 
Tôi cũng nghĩ rằng, chọn địa điểm nào phải hết sức cân nhắc. Ta có thể tiếp cận đến khu di tích, nhưng chọn vị trí nào để không tạo ra sự phản cảm, nhất là về mặt tâm linh. Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là thắng cảnh, mà đối với người Việt Nam, nó như là linh hồn của Hà Nội.
 
- Ông có e ngại gì về việc làm đường tàu điện ngầm sẽ ảnh hưởng đến các di sản trong lòng đất ở khu vực được cho là nhạy cảm này? 
 
 Ảnh minh họa

Nhà Sử học Dương Trung Quốc

Hồ Hoàn Kiếm nằm ngoài khu vực Kinh thành và chỉ thuộc khu dân cư cổ. Tất nhiên, dưới lòng đất Hà Nội thì thế nào cũng có cái gì đó, như thời kỳ cải tạo hệ thống nước ở phố Hàng Đường. Chỗ ngã tư Hàng Đường với Ngõ Gạch đúng như truyền thuyết nói là có cây Cầu Đông. Khi đào xuống, có thấy rất nhiều phiến đá từ hồi nhà Lê. Lâu nay, người ta chỉ khoanh vùng di sản trên mặt đất chứ trong luật di sản chưa nói đến khoanh vùng di sản dưới lòng đất. Cho nên, khi thi công đường tàu điện ngầm, chúng ta có ý thức quan sát và phát hiện thì đây cũng là một cơ hội.
 
Tôi cho rằng, khi làm đường tàu điện ngầm này, điều cần cân nhắc không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật giao thông, vạch ra một con đường là xong. Việc này, Ban Dự án ngoài việc thảo luận với ngành văn hoá thì cũng cần thảo luận với các nhà khoa học để tạo dựng sự thông suốt trong người dân. Ví dụ, các cụ có thể bàn chuyện long mạch chẳng hạn. Đây là một chuyện cũng phải bàn cho người dân thông. Nếu không, nó có thể tác động vào một công trình mang lại lợi ích cho dân nhưng lại để dân băn khoăn. Đó là một nghịch lý.
 
- Cũng có ý kiến nói rằng, Hà Nội vốn quản lý mấy cái hầm đường bộ nhỏ xíu còn chưa tốt, vẫn để xảy ra hiện tượng nhếch nhác. Vậy với việc ga tàu điện ngầm “đổ bộ” ở khu vực Hồ Gươm, liệu có xảy ra tình trạng lộn xộn làm mất trật tự, mỹ quan hay không?
 
Vấn đề này thì tôi lại không quan ngại. Con người mình cũng phải hướng tới một tương lai văn minh hơn, chứ tại sao mình lại cứ tự giới hạn mình? Điều quan trọng là kèm theo đó là những quy chế quản lý.
 
Tôi chỉ muốn nói một điều, là với những vấn đề như thế này, lẽ ra Thành phố phải có những sự trao đổi chuyên môn một cách sòng phẳng, đàng hoàng để tìm ra phương án tốt nhất. Còn trong vụ việc này, đến bây giờ chúng tôi cũng rất ngạc nhiên. Các nhà quản lý vạch ra rồi, bây giờ mới có ý kiến rồi lại phải sửa thì rất mất công. Tại sao không trao đổi ngay từ đầu?
 
Phương án nào đưa ra cũng phải có những luận chứng. Riêng luận chứng về môi trường thì không phải chỉ có môi trường sinh thái mà còn có môi trường văn hoá. Môi trường đâu chỉ là cây cối, tự nhiên? Sự không rõ ràng về thông tin chỉ làm dân bức xúc. Lẽ ra những việc như vậy dân rất ủng hộ, bởi có được một phương tiện giao thông tốt cho Thành phố tiếp cận tới các di tích, tại sao lại để người dân phải băn khoăn?
 
- Ông có cho rằng cách làm này đã thành… lối mòn?
 
Đây là cách làm mà ta đã có bao nhiêu bài học rồi. Lẽ ra cần thăm dò ý kiến ngay trong quá trình làm, trước khi quyết định các phương án. Chính những nhà khoa học, khi đã “thông” thì họ sẽ là những người cổ động tốt nhất cho công trình của mình.
 
- Nhưng đối tác Nhật Bản là những người rất có kinh nghiệm trong việc làm đường tàu điện ngầm. Chắc chắn họ sẽ có những tính toán phù hợp…
  
Người Nhật có kinh nghiệm, nhưng đây là Việt Nam. Về kỹ thuật thì có thể tin được phần nào, nhưng những vấn đề khác trên đất nước của mình, phục vụ dân của mình thì phải để dân của mình đồng thuận. 
  
- Quay lại chuyện “long mạch”, ông có lo rằng đường tàu điện ngầm có thể ảnh hưởng đến "long mạch" của Hà Nội?
 
Cái này ngoài chuyên môn của tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cũng nên quan tâm đến bởi vì cần giải đáp chuyện đó cho những người tin vào chuyện tâm linh. Cách tốt nhất là trao đổi với những nhà chuyên môn và các tổ chức xã hội để tìm sự đồng thuận của họ, hoặc phát hiện ra những điều chưa hợp lý để điều chỉnh lại.
 
- Xin cảm ơn ông.


Ngọc Quỳnh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc