Tân Phó Ban Nội chính TƯ tốt nghiệp ngành điều tra tội phạm

19:05, 02/02/2013
|

Bộ Chính trị vừa có quyết định điều động ông Phan Đình Trạc - ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - làm phó Ban Nội chính TƯ.

   

 Ảnh minh họa

 Tân phó Ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc

 

Ông Phan Đình Trạc làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từ tháng 10/2010. Trước đó, ông là phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.


Ông Trạc sinh năm 1958, tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân, ngành điều tra tội phạm.
Như vậy, Ban Nội chính TƯ có 2 phó ban là ông Phan Đình Trạc và ông Phạm Anh Tuấn, tiến sĩ luật, nguyên phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng.

 

Theo Phó Ban Phạm Anh Tuấn, chiều 1/2 - ngày đầu tiên hoạt động, Ban Nội chính TƯ đã có buổi chuyển giao 22 cán bộ, công chức của Vụ Nội chính và Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng TƯ Đảng về Ban.

 

Trước đó, về mặt tổ chức nhân sự, ngày 31/1, đã chuyển 86 cán bộ, nhân viên của Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng sang Ban Nội chính TƯ. Như vậy về mặt cơ học, Ban Nội chính Trung ương có 108 cán bộ, công chức không tính lãnh đạo Ban.

 

Cũng trong ngày đầu, toàn Ban tập trung cao độ cho phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng vào ngày 4/2 tới. Đó cũng chính là ngày chính thức ra mắt Ban chỉ đạo, đồng thời là ngày ra mắt cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo - Ban Nội chính TƯ.

 

Ban Nội chính TƯ được xác định chức năng là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành TƯ mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng.
 

Nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương gồm 6 nhóm:

Thứ nhất là nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và PCTN; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm VKS, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN. Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo TƯ về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.

Thứ hai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ở các cơ quan nội chính và hai tổ chức xã hội nghề nghiệp đã đề cập. Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo TƯ ương về PCTN giao.

Thứ ba, thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và PCTN trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ tư, tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp.

Thứ năm, thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TƯ về PCTN.

Thứ sáu, thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.


(VNN)

Ý kiến bạn đọc