Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điều mới. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung mới 11 điều. Các điều vừa sửa đổi, vừa bổ sung mới là 110 điều. Như vậy, cơ bản Hiến pháp đã sửa đổi khá nhiều. Tôi tâm đắc với nhiều điều sửa đổi lần này, trong đó có chế định về kiểm soát quyền lực.
Ngay tại Chương I, dự thảo tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều 2 trong dự thảo thể hiện đúng tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây là điểm mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao phải có quy định kiểm soát quyền lực?
Thực tế, khi đã hình thành quyền lực thì phải có sự kiểm soát quyền lực. Việc hình thành quyền lực, dù là quyền lực của tổ chức hay là của cá nhân, thì cũng phải được kiểm soát. Nếu quyền lực nhà nước không được kiểm soát sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, hoặc làm sai lệch bản chất của Nhà nước pháp quyền. Tôi cho rằng, kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu quả và hiệu lực chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp quy định và được nhân dân ủy quyền. Mọi quyền lực thuộc về nhân dân, các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp được nhân dân ủy quyền và được Hiến pháp quy định, thì các quyền lực đó phải được kiểm soát chặt chẽ; tránh tình trạng tổ chức hoặc cá nhân lợi dụng quyền lực để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Thực tế điều hành đất nước, quản lý xã hội trong thời gian qua đã cho bài học sâu sắc: nơi nào, cấp nào thiếu vắng kiểm soát, giám sát quyền lực là nơi đó có vấn đề về lạm quyền.
Cơ chế kiểm soát quyền lực cũng được thể hiện rất rõ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, QH là cơ quan lập pháp, xây dựng pháp luật để toàn bộ bộ máy nhà nước và người dân thực hiện, các cơ quan trình dự án luật, QH thông qua luật, Chủ tịch Nước có quyền công bố luật, pháp lệnh; nếu luật, pháp lệnh QH đã thông qua, nhưng còn có vấn đề thì Chủ tịch Nước có quyền không công bố luật, pháp lệnh. Hành pháp là cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện quyền năng điều hành đất nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan tư pháp, trong đó Viện kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố và Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử. Cơ quan xét xử phải xét xử độc lập và tuân theo pháp luật. Các cơ quan khác như lập pháp, hành pháp hoặc các tổ chức chính trị, xã hội không được can thiệp vào việc xét xử của cơ quan tư pháp. Đó chính là kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Đặc biệt nhân dân có quyền kiểm soát những cơ quan do mình ủy quyền, đó là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện rõ nội dung này ở các chương và các điều cụ thể. Trong Chương V về QH, Điều 74 (sửa đổi, bổ sung Điều 83 Hiến pháp hiện hành) đã nêu rõ chức năng, quyền hạn của QH: QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. QH thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH trên các mặt công tác như xây dựng, sửa đổi Hiến pháp; xây dựng, sửa đổi Luật; quyền giám sát tối cao, quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; quyết định các chính sách về dân tộc, tổ chức, hoạt động của QH, của Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; bầu, bãi nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn... Như vậy, trong Điều 75, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có 15 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của QH. Trong Chương V cũng quy định về vai trò của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, và các Ủy ban của QH, cơ chế phối hợp, thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.
Tương tự như vậy, trong Chương VI, Chủ tịch Nước, Điều 91, quy định Chủ tịch Nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Điều 92, 93 và các điều khác trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Nước.
Quy định về kiểm soát quyền lực trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, QH quy định tổ chức và hoạt động của QH, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ quan khác do QH thành lập. QH bầu Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ như Phó thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ. Định kỳ tại các Kỳ họp, QH tiến hành giám sát các hoạt động của Chính phủ bằng cách xem xét báo cáo của Chính phủ, nếu cần, ra các Nghị quyết về các báo cáo của Chính phủ, hiệu quả hoạt động của Chính phủ qua báo cáo đó.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng tương tự, QH cũng xem xét báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều đó có nghĩa, QH giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, trên cơ sở chức năng của mình, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, QH không can thiệp vào nhiệm vụ xét xử và công tố của cơ quan tư pháp. Chính phủ là cơ quan hành pháp. QH không can thiệp trực tiếp vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đó chính là tính độc lập giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: QH kiểm soát cơ quan tư pháp và hành pháp, thì ai kiểm soát QH? Đó chính là nhân dân. Nhân dân bầu ra ĐBQH bằng lá phiếu của mình, nhân dân ủy quyền quyền lực của mình cho QH, kiểm soát mọi hoạt động của QH. Cử tri thực hiện kiểm soát, giám sát hoạt động của ĐBQH do mình bầu ra.
Bên cạnh đó, điểm mới trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 120, với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp, do QH thành lập và chỉ tuân theo pháp luật, cũng là một cơ quan để giúp kiểm soát quyền lực nhà nước. Hội đồng Hiến pháp tương tự Hội đồng bảo hiến ở các nước. Nếu các văn bản của QH thông qua mà vi hiến thì Hội đồng Hiến pháp có thể thổi còi. Nếu xét xử của cơ quan tư pháp, quyết định hành chính của cơ quan hành pháp vi hiến, vi phạm quyền công dân, quyền con người, Hội đồng Hiến pháp cũng có thể cảnh báo, yêu cầu không được làm hoặc yêu cầu dừng lại. Tức là Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của QH, Chủ tịch Nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền để các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định, khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền.
Ý kiến bạn đọc