Tái diễn cảnh xe công đi lễ: Vì sao khó quản?!

17:46, 20/02/2013
|

(VnMedia) - Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán, dư luận lại rầm rộ chuyện "ông này", "bà kia" dùng xe công đi lễ chùa, lễ hội đầu năm. Mặc dù trước và sau Tết, lãnh đạo các cơ quan đầu ngành đều có văn bản nhắc nhở, cấm cán bộ, công chức sử dụng xe công đi lễ, Tết nhưng vì sao vẫn không quản được?. 

Lấp ló xe công tại các lễ hội
 
Có lẽ cho đến bây giờ, nhiều người không còn lạ lẫm gì với các xe biển xanh đến các lễ hội, chùa triền đầu năm. Mấy năm trước đây, việc “ông này”, “bà kia” sử dụng xe công đi lễ khá phổ biến. Ở các lễ hội lớn người đi trảy hội không khó khăn để bắt gặp những chiếc xe biển xanh chen lấn trên đường, đỗ chềnh ềnh tại các bãi gửi xe của các điểm lễ hội.

Khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi Chính phủ yêu cầu các đơn vị nghiêm cấm và xử lý nghiêm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội, chùa triền đầu năm thì việc “ông này”, “bà kia” dùng xe công đi lễ chùa, lễ hội đầu năm đã giảm đáng kể.
 
Tuy có giảm so với trước đây nhưng có lẽ đã thành “bệnh” chung trong cách ứng xử của mỗi người Việt thì phải?. Ở Việt Nam ta mỗi khi bị “cấm” cái này, việc kia thì người ta thường tìm ra muôn cách khác nhau để đối phó, vượt rào. Hoặc cấm ở chỗ này thì người ta ra chỗ khác làm hoặc vẫn cố tình làm nhưng “lén lút”.
 
Chuyện cấm xe công cũng vậy. Mặc dù trước và sau Tết vài năm nay, năm nào các cấp lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc cũng đều có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở cấp dưới nghiêm cấm sử dụng xe công trong việc đi lễ đầu năm, nếu đơn vị, cá nhân nào sai phạm sẽ bị xử nghiêm nhưng cứ sau Tết, người ta lại thấy xe công trảy hội.

Ảnh minh họa

Xe công của tỉnh Thái Nguyên bị phát hiện ở điểm lễ Phủ Tây Hồ (Hà Nội) hôm mùng 9 Tết vừa qua. Ảnh: Hoàng Hà, VnExpress.

Công bằng mà nói, năm nay xe công đi lễ chùa, lễ hội đầu năm đã ít hơn các năm trước đây nhưng tại một vài lễ hội, người ta vẫn thấy xe công lấp ló đến và rút đi. Và để không bị phát giác, các xe công đi lễ hội thường lấp ló ở những bãi gửi xe xa khu vực lễ hội.
 
Cũng không ít trường hợp xe công ở tỉnh này sang tỉnh khác đi lễ. Ngày 18/2 vừa qua, tức mùng 9 Tết, trong dòng người chen chúc đổ về Phủ Tây Hồ (Hà Nội) đi lễ đầu năm, cầu tài, cầu lộc, người ta vẫn dễ dàng phát hiện ra một trước xe công của tỉnh Thái Nguyên lấp ló trong bãi gửi xe gần khu vực tổ chức lễ này. 
 
Có thể ai đó cho rằng, chiếc xe công này đang trên đường đi công tác tiện qua đây thì ngồi nghỉ uống nước và ghé vào thắp nén nhang lấy lòng thành. Hoặc đó là xe đi thị sát tình hình lễ bái đầu năm chứ không phải xe đi lễ…nhưng chuyện tâm là một chuyện còn nói như các cụ ta vẫn thường nói, chiếc xe trên có mặt ở điểm lễ chùa đó là “tình ngay nhưng lý gian”, rất khó để biện hộ.
 
Năm nào cũng cấm nhưng vì sao vẫn … “lọt lưới”?.
 
Sau Tết Nguyên đán, ngày mùng 6 Tết, để đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2013, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật công vụ, đảm bảo giờ làm việc, đảm bảo các giao dịch hành chính, dân sự của nhân dân. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, tập thể cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội, tổ chức đi lễ hội trong giờ làm việc…
 
Lý giải cho việc phải tiếp tục ra văn bản nhắc nhở các đơn vị nghiêm cấm và xử lý nghiêm cán bộ, công chức đi xe công đi lễ hội đầu năm, đại diện Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, mặc dù trước đây đã có quy định, nhưng việc này vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn còn có đơn vị vi phạm. Trong các lễ hội, đền chùa có xe công, xe biển xanh ngang nhiên đi lễ dễ gây những phản cảm và phản ứng không tốt trong dư luận, trước đây hiện tượng này là thường xuyên. Nên việc thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này là cần thiết, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện nghiêm Nghị quyết TW4…
 
Có thể thấy, ngay các cấp lãnh đạo khi ra văn bản cũng không yên tâm về việc thực hiện nên mặc dù đã có quy định từ vài năm nhưng vẫn phải nhắc đi nhắc lại. Không ít ý kiến cho rằng, sở dĩ việc cấm sử dụng xe công đi lễ chùa, lễ hội đầu năm khó thực hiện nghiêm túc là do từ trước tới nay chưa có người đứng ra xử phạt và cũng chưa có ai bị xử phạt.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc tái diễn cán bộ, công chức sử dụng xe công đi lễ đầu năm là do hầu hết những người đi xe công đều là những “ông lớn”, “bà lớn” ở một cơ quan, đơn vị nào đó sử dụng nên lấy ai ra xử phạt. Không lẽ, sếp lớn sau khi đi xe công đi lễ chùa về tự làm văn bản “xử lý cá nhân”. Nhân viên dù có biết việc sếp vi phạm luật nhưng cũng không dám lên tiếng.
 
Hơn nữa, dù quy định cấm đi xe công và xử lý cán bộ, công chức đi xe công đã được ban hành và nhắc đi nhắc lại vài năm nay nhưng dư luận cũng chưa thấy một cơ quan nào, một tỉnh nào có cán bộ đi xe công bị nhắc nhở, xử lý cho nên hiệu lực của lệnh cấm trên cũng chỉ có ý nghĩa với một số người có ý thức. Còn những người nếu cố tình "phớt lờ" chỉ đạo của cấp trên cũng không sao. 
 
Một số ý kiến cho rằng, để quản lý tốt xe công cứ như thành phố Đà Nẵng lại hay. Tất cả xe công vụ được gom vào một mối giao cho một đơn vị quản lý. Vì là một đơn vị quản lý cho nên việc đi đứng thế nào phải có giấy đi đường, có lịch trình và số Km cụ thể, ai làm sai người đó chịu và vì thế sẽ trị được bệnh lạm dụng của công.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc