Sửa Luật Đất đai::: "Không chia lại đất nhưng phải xem xét thấu đáo"

06:59, 27/02/2013
|

(VnMedia) - Qua bao nhiêu năm đấu tranh kể từ khi có Đảng, cái lớn nhất là người cày phải có ruộng, người nông dân phải có đất để sản xuất. Ngày nay, làm thế nào để những người nông dân sinh ra sau năm 1992 có đất nếu không chia lại? Đó là một câu hỏi lớn cần phải được xem xét thấu đáo.

 

VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.


 Ảnh minh họa

Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ảnh: Xuân Hưng

 

- Xin ông cho biết, mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là gì? Người dân sẽ có lợi ích gì khi Luật được sửa đổi?

 

Trong lần sửa Luật Đất đai lần này, kỳ vọng lớn nhất của Đảng, Chính phủ là làm sao giảm được khiếu kiện đối với đất đai. Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết sức để phát huy nguồn lực của đất đai phục vụ nhiệm vụ phát triển an ninh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và an ninh lương thực của đất nước.

 

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện Luật Đất đai và đạt được những kết quả nhất định, đồng thời tăng hiệu quả quản lý nhà nước để phát huy hiệu quả cao nhất của đất đai để phục vụ nhiệm vụ chung công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo mục tiêu của Đảng.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần phải làm sao đừng để khiếu kiện về đất đai xảy ra nhiều như hiện nay, nhất là trong vấn đề định giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phải làm sao cho thỏa đáng, đảm bảo hài hòa 3 lợi ích vì mục tiêu chung phát triển đất nước, đó là lợi ích của người dân, lợi ích của nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.

 

- Hiện nay chúng ta đang thực hiện lấy ý kiến nhân dân cả về Luật đất đai và Hiến pháp. Ông có lo ngại rằng, nếu Luật đất đai sửa đổi được ban hành trước thì Luật Đất đai có thể lại phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp không?

 

Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của đất nước nên có thời gian lấy ý kiến dài hơn, còn Luật Đất đai được lấy ý kiến trong 2 tháng. Nhưng 2 hay 3 tháng không quan trọng, mà làm sao chúng ta phải thu thập được nhiều ý kiến của nhân dân, để góp ý vào 2 đạo luật này.

 

Tư tưởng của Hiến pháp hiện nay đang lấy ý kiến của người dân liên quan tới đất đai, tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Cử tri, nhân dân có góp ý rằng, phải thừa nhận quyền tư hữu về đất đai hay quyền tập thể về đất đai… chúng ta ghi nhận và xem xét.

 

Trong thể chế của chúng ta, qua bao nhiêu năm đấu tranh kể từ khi có Đảng, cái lớn nhất là người cày phải có ruộng, người nông dân phải có đất để sản xuất. Nếu chúng ta không thấu suốt quan điểm đó thì sẽ xảy ra hiện tượng có những người rất nhiều đất, nhưng có những người không có đất để sản xuất. Đây là điều không nên.

 

- Vậy theo ông, điều gì khiến khiếu kiện xảy ra nhiều như vậy?

 

Một trong những nguyên nhân diễn ra khiếu nại, khiếu kiện nhiều trong thời gian vừa qua là người dân không thông suốt, người dân không chấp nhận cách làm của những người thực thi pháp luật. Một là do năng lực phẩm chất đạo đức của những người thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Hai là không công khai minh bạch, không đối thoại, không chia sẻ với dân, để người dân không thấy hết được trách nhiệm của người thực hiện.

 

Nhưng dân ta rất tốt. Khi thấy rằng lợi ích của người dân phù hợp với lợi ích của đất nước, người dân sẵn sàng cống hiến, hy sinh. Điều đó Việt Nam đã được chứng minh qua bao nhiêu thời kỳ.


 Ảnh minh họa

Người dân sẵn sàng hiến đất làm đường nếu thông tin minh bạch

 

Khi nhà nước thu hồi đất, người dân được bồi thường thiệt hại, tái định cư, hỗ trợ… đó là trách nhiệm của nhà nước với nhân dân. Tất nhiên, nhà nước không thể bao quát hết, không thể kham hết mọi vấn đề, nhưng nhà nước có chủ trương, để người dân bị thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia… thì người dân sẵn sàng hiến, dâng, giống như trước đây trong kháng chiến có phương châm “xe chưa qua, nhà không tiếc”.

 

Trong thời bình ngày nay cũng vậy, mấy mươi năm qua cho tới gần đây vẫn có những ông Tía bà Má, ông Bố bà Mẹ sẵn sàng hiến mấy trăm m2 đất làm nhà thương, trường học, nhà trẻ, làm đường giao thông công cộng ở nông thôn… Người ta không tiếc, nhưng vấn đề là chính sách. Người tổ chức thực hiện phải thật tốt, đó là phải dân chủ, công khai, minh bạch để người dân thấy rằng mình làm điều đó là vì tương lai của đất nước.

 

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới điều quan trọng nhất là phải tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cũng cơ chế, cũng chính sách, cũng pháp luật ấy, trong 63 tỉnh, thành phố thì có địa phương làm rất tốt, có địa phương làm chưa tốt, có địa phương làm không tốt là do trách nhiệm người đứng đầu. Khi chúng ta xác định là do cơ chế, do quá trình tổ chức thực hiện, phải xem lại cơ chế xử lý người đứng đầu, quá trình tổ chức Luật Đất đai nói riêng và tất cả pháp luật của chúng ta nói chung.

 

Khi nhà nước thu hồi đất, phải làm rõ quyền sở hữu là ai, quyền của người dân, quyền và lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích của nhà đầu tư như thế nào. Đạt được mục tiêu đó, chúng ta sẽ làm giảm đáng kể tình trạng khiếu kiện.

 

- Hiện nay, một trong những vấn đề mà người dân quan tâm, đó là những người dân sinh ra sau năm 1992 đến nay không có đất nông nghiệp. Quan điểm của ông khi sửa lại Luật đất đai như thế nào?

 

Đây là một vấn đề rất lớn, tôi cũng hết sức băn khoăn. Chúng ta đang đứng trước 2 quan điểm, thứ nhất là kể từ khi Luật Đất đai ra đời, qua nhiều lần sửa đổi bổ sung đến hôm nay chúng ta đặt vấn đề theo Nghị quyết của Trung ương mới nhất là không đặt vấn đề chia lại đất. Là cán bộ đảng viên, là đại biểu của dân, chúng ta thấu suốt quan điểm đó, tán thành chủ trương này. Nhưng cá nhân tôi vẫn băn khoăn, với 2 lý lẽ.

 

Nếu chúng ta đặt vấn đề chia lại đất cho những người sinh sau năm 1992 thì sẽ xáo trộn tất cả, có thể dẫn đến mất ổn định. Nhưng nếu không chia lại, người dân có lý lẽ rằng: “Tôi sinh ra, nhà nước bảo tôi phải có nghĩa vụ thì tôi làm nghĩa vụ, nhưng chúng tôi không có quyền lợi, không có đất để cày… “. Câu này nói chưa chuẩn, nhưng nó vẫn buộc những người làm chính sách phải suy nghĩ.

 

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta chuyển một số đất nông nghiệp sang làm công nghiệp là đúng, nhưng trong quá trình ấy, chúng ta phải giải quyết việc làm, phải chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp tiến dần sang dịch vụ và công nghiệp thì mới tiến lên thành một nước công nghiệp hóa được. Nhưng trong thực tiễn vẫn có vấn đề cần giải quyết.

 

Có nhiều người sinh ra trước thời điểm 1993, trước khi tham gia làm công chức viên chức thì họ là nông dân ở quê và được chia mấy sào ruộng. Nhưng khi họ thoát ly đi làm công chức viên chức nhà nước, họ không còn sản xuất trên đất đó nữa. Họ có thể chuyển giao cho anh em họ hàng làm. Nhưng trong khi đó, những người nông dân thực thụ khác, họ muốn có mấy trăm mét đất ấy để sản xuất thì lại không có. Điều này cần phải thống nhất lại một cách thấu đáo. Đây có thể là trường hợp cá biệt nhưng không phải là ít. Trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, chúng ta không làm xáo trộn, nhưng cần phải xem xét thấu đáo. Theo tôi, sự điều chỉnh là cần thiết.


- Vậy ông có gợi ý về giải pháp điều chỉnh?

 

Theo tôi, cần đưa về từng địa phương rà soát. Như tôi đã nói ở trên, có những người từng được chia đất một cách chính đáng, nhưng khi họ được nhà nước giao các nhiệm vụ khác, không còn làm nông dân nữa, họ giao lại đất cho họ hàng. Nhưng điều đó có hợp lý không? Tôi nghĩ phải giao cho địa phương rà soát.

 

Trước hết phải trưng cầu ý thức tự giác của cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Ai trước đây từng là nông dân, lên xã rồi lên huyện, lên tỉnh, lên Trung ương, nay không có nhu cầu nữa thì giao lại cho nhà nước.

 

Thứ hai, trong toàn dân có người nào không có nhu cầu nữa (ví dụ như người nào đã đi nước ngoài), không có nhu cầu sản xuất nữa thì giao lại cho dân mình sản xuất. Thứ 3 là những người đã chuyển đổi nghề rồi, con cái trưởng thành rồi, làm cán bộ, đi vào thành phố hết rồi thì giao lại cho dân. Đó là điều cần phải xem xét.

 

- Xin cảm ơn ông!

 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc