Nhà văn hóa di động đầu tiên ở Hà Nội

21:14, 05/02/2013
|

(VnMedia) - Hà Nội đất chật người đông. Để có một chỗ làm nơi sinh hoạt cộng đồng không phải là dễ, bởi phải có đất, có tiền. Một mô hình nhà văn hóa di động vừa được người dân phường Hạ Đình sáng tạo rất tiện lợi nhưng chi phí lại rất ít...


Tiền tỉ bỏ không

 

Hà Nội đã nhiều năm nay cố gắng đầu tư xây dựng các nhà văn hóa. Đi khắp 29 quận huyện, hơn 500 xã phường, đến đâu ta cũng dễ nhận thấy các nhà văn hóa các quận huyện, xã phường được xây dựng, không ít công trình có quy mô, hình thức gây chú ý.

 

Tuy vậy, báo chí cũng đưa tin một số nhà văn hóa đã được xây dựng tại những vị trí “đất vàng”, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng và thiết bị, nhưng đang lay lắt tồn tại. Nằm trong “danh mục” những thiết chế văn hoá được ưu tiên vị trí tốt nhằm phục vụ hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các khu phố, cụm, tổ dân cư nhưng không ít nhà văn hóa đang trong tình trạng vỏ có, ruột không, cửa đóng then cài hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi người dân vẫn thiếu những địa chỉ sinh hoạt cộng đồng.


 Ảnh minh họa

 Nhà văn hóa cụm B3-B4 phường Thanh Xuân Bắc thành nơi họp chợ: Ảnh: Hanoi data

 

Báo chí từng đưa tin, nhà văn hóa (còn gọi là Nhà hội họp) A5 Khu Tập thể phường Thanh Xuân Bắc, (quận Thanh Xuân, HN) đã từ lâu biến thành một điểm trông giữ xe, hoạt động cộng đồng thì quanh năm chỉ thưa thớt, trong khi mỗi tháng có đến hàng trăm chiếc xe được gửi cố định tại đây, chưa kể xe khách vãng lai. Còn nhà văn hóa số 4, số 7 không đủ rộng để thành bãi trông xe, nhưng lại được dành cho thuê làm lớp học…

 

Trước thực trạng đó, có ý kiến cho rằng nhà văn hóa nếu chỉ được xây lên để phục vụ một vài buổi họp hành mỗi năm thì đúng là không cần phải có nhà văn hoá, bởi từ trước khi các nhà văn hóa được mọc lên thì ở nhiều nơi, các cuộc họp hành vẫn được luân phiên tổ chức tại nhà dân.

 

Nhà văn hóa lắp ghép

 

Ở phường Hạ Đình (cũng thuộc quận Thanh Xuân) thì lại khác. Phường này cũng có nhà văn hóa rất khang trang và là nơi hội họp, hoạt động đoàn thể, chính trị tại địa phương. Đặc biệt từ 2010, đã xuất hiện các hoạt động của CLB Sống Xanh cụm 3A làm nòng cốt, địa điểm nhà văn hóa tại cụm dân cư đã phát huy hiệu quả thực sự: lớp học bảo vệ môi trường xanh, sạch, tiết kiệm điện, phòng chống bệnh đơn giản đến các buổi giao lưu văn nghệ giữa các cụm dân cư và cả các phường bạn. Nhà văn hóa cụm còn là nơi niêm yết danh sách cử tri, nơi sinh hoạt hè của thiếu nhi và nơi tập bóng bàn, bóng chuyền của tất cả bà con trong cụm.


Tuy nhiên, khi hoạt động cộng đồng ngày càng phong phú thì lại lộ rõ sự thiếu hụt không gian công cộng. Đặc biệt tại cụm 5, 6 phường Hạ Đình sau 17 năm thành lập phường vẫn không có nhà văn hóa. Khi hội họp, bà con phải nhờ nhà dân, thậm chí họp ngay trên… mặt đường.

 

Trước khó khăn đó, với tinh thần sáng tạo, chủ động và sự quyết tâm của Đảng ủy cụm 6, Đảng bộ, UBND phường Hạ Đình, sự gương mẫu của cán bộ cơ sở… bà con dân phố đã sáng tạo nên một loại nhà văn hóa di động làm bằng vật liệu nhẹ: ống tuýp thép, vải bạt. Nhà văn hóa này có ưu điểm là tháo lắp nhanh chóng, đặt trên nền sân chơi cầu lông, là đất mượn tạm của người dân nhưng rất cơ động, khi là sân chơi, khi cần lại là nơi hội họp.

 Ảnh minh họa

 Niềm vui khánh thành nhà văn hóa cụm 6 phường Hạ Đình

 

Sáng kiến “nhà văn hóa lắp ghép” của bà con cụm 6 phường Hạ Đình đã được sự đóng góp hỗ trợ của Trung tâm hành động vì đô thị, các thành viên Kiến trúc sư Việt Nam trong công ty Kiến trúc Xây dựng đô thị Hà Nội và Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp (đóng trên địa bàn).


Sau gần một tháng từ mua sắm vật tư, thi công các cấu kiện, ngày 5/2/2013, bà con cụm 6 đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng nhà văn hóa lắp ghép đầu tiên của Hà Nội trong niềm vui và tự hào với chi phí rất tiết kiệm, hoàn toàn bằng vốn đóng góp của các Đảng viên và hỗ trợ của các đơn vị tình nguyện.

 

Sắp tới, ngay trong năm 2013, bà con cụm 6 Hạ Đình sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện mô hình nhà văn hóa lắp ghép để ngày càng tiện dụng, có thể tháo lắp nhanh hơn và hình thức đa dạng hơn nữa. Mô hình nhà văn hóa lắp ghép này đang được kỳ vọng sẽ nhân ra nhiều địa bàn còn gặp khó khăn về địa điểm, kinh phí đầu tư.


Thực tế cho thấy, nhu cầu sinh hoạt cộng đồng là cần thiết, nhưng các hoạt động có sinh động, lôi cuốn bà con tham gia hay không phụ thuộc nhiều vào sự nhiệt tâm, gương mẫu của các cán bộ cơ sở. Khi đã có sự đồng lòng chung tay tạo dựng không gian sinh hoạt công cộng, sẽ xuất hiện nhiều sáng kiến, nhiều tố chất văn hóa mới được phát huy vượt qua những khó khăn vật chất hiện tại.


KTS Trần Huy Ánh

Ý kiến bạn đọc